Đô thị

Bảo vệ cây xanh đô thị tại Hà Nội - Nhìn lại sau siêu bão

Bảo Hân 10/09/2024 06:36

Hàng chục ngàn cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi đã bật gốc, gãy đổ sau bão số 3 (bão Yagi).

Vẫn biết khả năng chống chịu của cây trước sức gió giật mạnh nhất trong vòng 30 năm qua là hữu hạn, song đây cũng là lúc cần rút ra nhiều bài học trong việc bảo vệ cây xanh - tài sản quý giá của Thủ đô.

hang-cay.jpg
Hàng cây phượng vĩ trồng tại dải phân cách của phố Xã Đàn. Ảnh: Triệu Dương

Cây xanh chịu nhiều sức ép

Cơn bão số 3 quét qua Hà Nội gây thiệt hại lớn về nhiều mặt, trong đó có lượng cây xanh bị gãy, đổ được đánh giá là nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, bão số 3 đã làm 25.156 cây xanh bị đổ và gãy cành; trong đó có 24.807 cây xanh bị đổ, tập trung nhiều ở các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh...

Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị Đặng Văn Hà cho biết, nhiều cây xanh gãy, đổ thuộc các loài lát, bàng, sấu, bằng lăng, keo…, vốn là cây trồng phù hợp lấy bóng mát ở đô thị, có sức chịu gió tốt. Tuy nhiên, bão số 3 khi vào đến Hà Nội có sức gió ở cấp 8-9, giật cấp 11 nên những cây có chiều cao lớn, hoặc mới trồng, rễ chưa kịp cắm sâu sẽ không thể chống chịu. Cây cổ thụ tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) bị gió vặn gãy gục phần thân lớn, trong khi gốc vẫn còn nguyên vẹn cho thấy sức gió khủng khiếp.

Đáng lưu ý, nhiều cây có đường kính lớn khi bị bật rễ mới cho thấy hiện trạng rễ cây kém phát triển, bám nông trên mặt đất. Thậm chí, có cây được trồng nông hoặc còn nguyên vỏ bầu, dù chưa kiểm chứng vỏ bầu được làm bằng chất liệu gì, có tự tiêu được hay không.

Tiến sĩ Lại Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh phân tích, tại các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, khoảng không gian cho cây xanh phát triển tự do đang dần thu hẹp lại. Do ảnh hưởng của các công trình xây dựng, một số loại cây phát triển lệch, gây mất cân đối giữa chiều cao và đường kính trụ. Đặc thù đất của Hà Nội trũng, độ ẩm cao, đặc biệt các mạch nước ngầm trong thành phố cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cây xanh đô thị dễ bị đổ khi gặp thời tiết cực đoan.

“Mặc dù cây xanh đô thị có nhiều giá trị, nhưng chúng vẫn chưa được sự quan tâm đúng mực. Cây xanh vẫn đang gặp nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe và đến khả năng sinh truởng, phát triển của cây”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận định.

Cụ thể, bộ rễ của cây đường phố đang gặp nhiều vấn đề nhất như không đủ đất, không đủ dinh dưỡng, vướng vào hạ tầng đường sá, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đất chật, đất ô nhiễm, cằn cỗi, thiếu nước hoặc ngập úng, các tác động cơ học đè nén, chặt phá… Những đặc điểm môi trường này là đặc trưng của mọi đường phố và ảnh hưởng đến bộ rễ, làm cho cây kém phát triển.

Ngoài ra, cây xanh trên các tuyến đường thường được trồng trong những hố có kích thước không bảo đảm tiêu chuẩn. Hơn nữa, xung quanh hố là vật liệu xây dựng được lu lèn hoặc là phần vật liệu phục vụ hoàn thiện bề mặt. Đây không phải là môi trường sống lý tưởng của cây xanh. Rễ non mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Chính vì vậy, sau khi được trồng, cây xanh chỉ phát triển bộ rễ luẩn quẩn trong không gian chật hẹp của hố trồng. Điều này đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên của cây xanh, tạo sự mất cân bằng giữa phần tán lá và bộ rễ. Do đó, việc cây đổ, gãy trong mùa mưa bão là không thể tránh khỏi.

Cần đồng bộ các giải pháp

Cắt sửa hạ độ cao, làm thưa tán, vén tán, cắt hết các cành khô, cành sâu mục hiện vẫn là giải pháp chủ yếu để bảo vệ cây xanh. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, mục tiêu trong năm 2024, khối lượng cây xanh được cắt sửa trên toàn địa bàn thành phố mà công ty được giao quản lý khoảng 90.000-100.000 cây nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy đổ trong mùa mưa bão.

Từ đầu năm đến nay, công ty tăng cường kiểm tra, khảo sát sớm, phát hiện kịp thời những cây xanh nguy hiểm để đưa vào kế hoạch chặt hạ, cắt sửa trước mùa mưa bão. Việc cắt sửa được ưu tiên đối với những cây nghiêng nguy hiểm, nặng tán, hạ độ cao các loại cây, như: Xà cừ, muồng, phượng... những cây có cành vươn, cành khô, vướng đèn chiếu sáng, tín hiệu giao thông, gỡ cây ký sinh…

Tiến sĩ Lại Thanh Hải cho rằng, để hạn chế cây gãy, đổ, nghiêng, cắt tỉa là giải pháp quan trọng trong việc chăm sóc và duy trì cây xanh. Ngoài ra, ngay từ khi trồng cây, cần tạo hố đủ lớn, đủ sâu và bổ sung đất màu để bảo đảm cân đối về khả năng lèn giữ, tạo không gian và đáp ứng dinh dưỡng cho bộ rễ phát triển. Nếu trước đây, hố đào chỉ gấp 2-3 lần thì nay phải đào gấp 4-5 lần bầu cây rồi đổ đất màu để bảo đảm tạo khoảng mềm và dinh dưỡng cho rễ cây ăn ra, phát triển.

Rút ra bài học từ bão số 3, Công ty Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội kiến nghị, các chủ đầu tư dự án thực hiện thi công hạ ngầm, cải tạo hè, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường, phố phải có biện pháp bảo đảm tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, phương án thiết kế không để nổi rễ, nổi bầu, chặt rễ cây; có biện pháp gia cố, bảo vệ cây xanh, trong quá trình thi công không làm cây bị nổi bầu, bật gốc, nghiêng, đổ.

Ngoài ra, người dân cũng cần nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh, phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh trong việc phát hiện các trường hợp cây nguy hiểm, xử lý sự cố cây xanh trên địa bàn Thủ đô kịp thời, chính xác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ cây xanh đô thị tại Hà Nội - Nhìn lại sau siêu bão

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.