Bão số 3 hoành hành tại Hà Nội làm 1 người chết, 3 người bị thương, gãy đổ 2.455 cây xanh, 10 ngôi nhà bị tốc mái, 19 ô tô, xe máy bị hư hỏng...
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, thống kê ban đầu của đơn vị, địa phương, bão số 3 gây thiệt hại về người và tài sản.
Tính từ 7h đến 19h ngày 7-9, bão số 3 làm 1 người (ở quận Cầu Giấy) bị chết, 3 người (ở quận Ba Đình) bị thương; hư hỏng 6 xe máy, 13 ô tô; 13 ngôi nhà của dân bị tốc mái; sập đổ một số tường bao, hư hỏng công trình thủy lợi; gây sự cố mất điện 17 trạm bơm, 15 xã của huyện Thanh Oai bị mất điện. Bão số 3 làm đổ gần 6.145ha lúa, gần 16ha rau màu, 2,2ha cây ăn quả; úng ngập 47ha lúa, 26,5ha rau màu. Đặc biệt, bão số 3 gây thiệt hại lớn về cây xanh với 2.455 cây đổ và 273 cành gãy.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thống kê sơ bộ của các tỉnh, thành phố đến 17h chiều nay (7-9), bão số 3 làm 4 người chết (tỉnh Quảng Ninh 3 người, tỉnh Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương (tỉnh Quảng Ninh 58 người, thành phố Hải Phòng 20 người)...
Để giảm tổn thất do bão số 3 gây ra trong những giờ tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh; đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển, các tỉnh, thành phố khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn; sẵn sàng vận hành tiêu úng, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin...
Đối với miền núi phía Bắc, các tỉnh triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.