(HNMO) - Sáng 16-10, Ban Bí thư TƯ Đoàn tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo văn kiện trình ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ X (nhiệm kỳ 2012-2017) của các đồng chí nguyên là Bí thư thứ nhất, nguyên Bí thư TƯ Đoàn các thời kỳ.
Tuổi trẻ luôn nhiệt huyết và khát khao cống hiến. |
Nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo TƯ Đoàn đối với công tác thanh niên, tổ chức Đoàn, Hội đã được Ban Bí thư TƯ Đoàn tiếp thu và hứa sẽ chỉnh sửa cho sát, trúng với tình hình thanh niên và công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi trong tình hình mới.
Đó là Văn kiện trình tại ĐH Đoàn lần thứ X phải có tầm khái quát, báo cho xã hội biết thanh niên, thiếu nhi Việt Nam hiện nay đang đứng ở vị trí nào trong xã hội? Vai trò, vị trí đến đâu? Đoàn đã làm được gì cho thanh niên? Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các ngành trong hoạt động Đoàn ra sao?
Ban Bí thư TƯ Đoàn cần mạnh dạn thể hiện thông điệp của mình trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho thanh niên ngay trong nhiệm kỳ mới này (2012-2017). Sứ mệnh của Đoàn là công tác tuyên truyền giáo dục, vậy tổ chức Đoàn, Hội cần tận dụng sự hồn nhiên, trong sáng, nhiệt huyết và cầu tiến của thanh niên để giáo dục họ và thông qua đó giáo dục cả người lớn; lên tiếng đấu tranh với cái ác, lộng hành, bóc lột sức lao động, chà đạp nhân phẩm của thanh niên.
Khi làm được điều đó, thì cũng đồng nghĩa “giải mã” được một phần nguyên nhân vì sao công tác thu hút, tập hợp thanh niên tình hình hiện nay khó khăn; bởi một bộ phận không nhỏ thanh niên nhìn, nhận thấy một bộ phận người lớn, thế hệ trước không gương mẫu, tha hóa, biến chất, tham nhũng, công quyền, lộng hành.
Cũng theo ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo TƯ Đoàn, Ban Bí thư TƯ Đoàn cần phối hợp với các cơ quan chức năng có đợt điều tra, khảo sát và hội thảo đánh giá tình hình tiêu cực trong thanh niênình hình hiện nay, hiểu tình hình, nguyên nhân thì mới có phương thức “kim chỉ nam” trong tuyên truyền giáo dục, giúp đỡ, tập hợp. Bên cạnh đó, TƯ Đoàn cần tổng kết những bài học kinh nghiệm, coi bài học kinh nghiệm là “phương thuốc”, khi “ốm” thì biết “bệnh” và cần uống thuốc gì?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.