Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp vốn thôi chưa đủ

Nguyễn Lê| 06/03/2015 06:53

(HNM) - Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) cho rằng, TP Hồ Chí Minh là cửa ngõ để các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, thành phố cần phải tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cắt giảm thủ tục hành chính đến mức tối đa để cộng đồng DN nước ngoài

Sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện tử DGS (TP Hồ Chí Minh).
Ảnh: Hữu Luận



\Là thành phố lớn nhất của cả nước, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tích nổi bật nhưng nhiều DN, nhà đầu tư cho rằng, để họ tin tưởng, an tâm làm ăn lâu dài, thành phố cần phải "dễ tính" hơn, trong đó tập trung cắt giảm thủ tục hành chính đến mức đơn giản nhất. Ông Võ Quang Huệ, thành viên Ban lãnh đạo Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng Giám đốc Công ty Bosch Việt Nam (nhà đầu tư lớn nhất của Châu Âu tại Việt Nam) cho rằng, TP Hồ Chí Minh là cửa ngõ của tất cả DN Châu Âu mong muốn đầu tư tại Việt Nam và các địa bàn trong khu vực. Bên cạnh địa chính trị quan trọng, TP Hồ Chí Minh còn nhiều thách thức cần phải vượt qua mà cụ thể là cơ sở hạ tầng. "Cơ sở hạ tầng là vấn đề rất lớn có ảnh hưởng đến nhiều mặt từ hành chính, kinh doanh của DN đến tất cả các hộ gia đình. Do đó, thành phố cần phải thích nghi liên tục trước những đòi hỏi của xu thế hội nhập", ông Võ Quang Huệ nhấn mạnh. Trong khi đó, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, nhiều DN Mỹ khi xuất nhập khẩu hàng hóa còn vướng thuế giá trị gia tăng (VAT), vì vậy đề nghị Việt Nam tháo gỡ để phù hợp với tiến trình hội nhập.

Đáp lại những mong muốn này, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) Vũ Văn Hòa cho biết, trong thời gian tới Hepza phấn đấu cắt giảm 30% thủ tục hành chính cho DN khi đầu tư vào Hepza. Đối với những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, không phải xin chủ trương của Chính phủ, sẽ cắt giảm 50% thủ tục, tức là từ 15 ngày xuống còn 7 ngày. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân yêu cầu, Hepza làm sao phải cắt giảm thủ tục hành chính 50-70% chứ 30% là chưa đạt yêu cầu. Để làm được điều này, Hepza phải thực hiện đúng quy trình chỉ đạo của UBND thành phố. Về cải thiện môi trường đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư
TP Hồ Chí Minh Thái Văn Rê cho biết, bắt đầu từ năm 2015 này, thành phố sẽ thể chế hóa quyền tự do kinh doanh, tạo thêm ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chỉ còn 3 ngày, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xuống còn 15 ngày...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các DN nước ngoài ngày 4-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cho rằng, các nhà đầu tư không chỉ đơn thuần dừng ở việc đưa vốn vào thành phố mà còn là đầu tư công nghệ, kỹ thuật, phương thức, bí quyết kinh doanh, tâm huyết và sự gắn bó của các nhà đầu tư với thành phố. Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Qua nắm bắt thực tế và ý kiến của đại diện các hiệp hội DN và các DN, thành phố thấy rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới để có thể đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của thành phố.

Tính đến thời điểm hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 5.310 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn lên tới 36,28 tỷ USD. Riêng năm 2014, vốn FDI vào thành phố có sự tăng trưởng vượt bậc, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư là 457 dự án với tổng vốn đăng ký là 2,88 tỷ USD, tăng 2,7 lần so với năm 2013. Khối DN FDI cũng là khu vực có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Năm 2014, ước tính các DN trong khối này đã nộp ngân sách gần 1,74 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức đóng góp của khối DN nhà nước (khoảng 1,27 tỷ USD) và khối DN tư nhân (khoảng 1,43 tỷ USD). Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi số lượng DN FDI chỉ chiếm 2% tổng số DN thuộc các thành phần kinh tế của thành phố (khoảng gần 5.000 DN FDI trong tổng số hơn 238.000 DN).


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp vốn thôi chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.