Chính trị

Góp phần đổi mới hoạt động của Quốc hội

Tiến Thành 23/03/2024 - 06:43

Năm 2024, khối lượng công việc của công tác Quốc hội lớn nên ngay từ những ngày đầu năm, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện các nội dung. Những nhiệm vụ trọng tâm được xác định cụ thể, đi đôi với đổi mới cách thức thực hiện.

quoc-hoi.jpg
Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khảo sát công tác xây dựng đường song hành với tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Mê Linh.

Tích cực đóng góp xây dựng Thủ đô

Từ những ngày đầu năm 2024, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với các địa phương và cơ quan liên quan về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 thuộc thành phố Hà Nội”. Trong đó, trọng tâm giám sát của đoàn là về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 thuộc thành phố Hà Nội”.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Văn Duân nhận xét, công tác giám sát, khảo sát đã được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc, sát thực tế, nhằm mục tiêu góp phần thúc đẩy đồng bộ tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, bảo đảm các quy định của pháp luật.

Đối với công tác lập pháp, trong năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành chức năng, các chuyên gia và đối tượng chịu tác động của luật, nghị quyết... vào các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại các kỳ họp thứ bảy, thứ tám và các kỳ họp bất thường (nếu có) của Quốc hội khóa XV. Đáng chú ý, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024).

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận định, các hoạt động lấy ý kiến, tiếp xúc, trao đổi về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trước, trong và sau thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã giúp cơ quan soạn thảo thẩm tra và đại biểu Quốc hội, nhân dân hiểu rõ về dự án Luật, tạo sự đồng thuận, tăng cường sự ủng hộ tại diễn đàn Quốc hội. Trong kỳ họp thứ sáu vừa qua, các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội đã tích cực tham gia ý kiến tại diễn đàn Quốc hội để làm rõ hơn và ủng hộ, bảo vệ các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng thời có nhiều ý kiến góp ý, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh, bổ sung những nội dung trong dự thảo Luật cho phù hợp.

Lắng nghe, truyền tải nguyện vọng của cử tri

Thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử, năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp tục làm tốt công tác nắm bắt, lắng nghe, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội. Về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu Quốc hội tiếp công dân theo lịch phân công; trực tiếp xử lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định. Từ đó, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ban hành báo cáo dân nguyện định kỳ gửi Ban Dân nguyện tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có sự tham gia tích cực hơn của các sở, ngành thành phố nhằm tiếp thu, trả lời, giải quyết những kiến nghị của cử tri. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cần thể hiện vai trò tích cực, chủ động trong hoạt động truyền tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, UBND thành phố và HĐND quận, huyện, thị xã chuẩn bị để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ bảy, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV và tiếp xúc cử tri chuyên đề với phương thức tổ chức ngày càng đổi mới, phong phú, đa dạng.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định, các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề là diễn đàn quan trọng, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề khó còn nhiều ý kiến khác nhau. Đây cũng là việc thể hiện đổi mới không ngừng hoạt động của Quốc hội trong việc lắng nghe các ý kiến của cử tri, để từ đó góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người dân. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán rằng “mọi quyết sách của Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm” như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần đổi mới hoạt động của Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.