Nghị quyết và Cuộc sống

Giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội

Mai Hữu 17/11/2023 - 12:56

Sáng 17-11, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

giamsat1.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Đồng chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại 62 Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

giamsat2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc hội nghị.

Đưa chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Năm 2024, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề là: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy) và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tám).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn 2 chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

giamsat3.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023 và triển khai Chương trình giám sát năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Để triển khai có hiệu quả các chuyên đề, các Đoàn giám sát cần tận dụng tối đa tài liệu, hồ sơ sẵn có về sơ kết, tổng kết, đánh giá những nội dung có liên quan đến chuyên đề giám sát, nhất là những nội dung mới được sửa đổi trong các luật vừa được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong triển khai hoạt động giám sát.

“Ngoài ra, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát và tổ chức có liên quan cần bám sát đề cương, kế hoạch để chuẩn bị báo cáo theo đúng yêu cầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Trong quá trình chuẩn bị báo cáo, nếu có khó khăn, vướng mắc, thì cần trao đổi ngay với Thường trực các Đoàn giám sát. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan thống nhất về cách thức tổng hợp, lấy số liệu, bám sát yêu cầu về nội dung trong các đề cương”, ông Bùi Văn Cường nói.

giamsat4.jpg
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tham luận tại hội nghị.

Cần thiết sửa đổi Luật về hoạt động giám sát

Tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Với phương châm không ngừng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp tục tổ chức thành công, hiệu quả các chuyên đề giám sát, chất vấn, đặc biệt là hoạt động giám sát lại và lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ sáu.

“Sự bài bản, khoa học, chất lượng và hiệu quả của các chương trình giám sát của Quốc hội đã lan tỏa, tạo động lực, hướng dẫn hiệu quả hoạt động của HĐND các địa phương, trong đó có HĐND các cấp của thành phố Hà Nội”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đây là nội dung quan trọng, trong đó quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, nhất là việc thực hiện các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND. Quy định cụ thể về các đối tượng có trách nhiệm trả lời chất vấn, giải trình của HĐND là Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc có liên quan, để các nội dung chất vấn, nội dung giám sát được xem xét đồng bộ, thấu đáo và hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu để luật hóa các quy định, chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không đầy đủ, cố tình kéo dài thời gian thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.

giamsat5.jpg
Nhiều tham luận đã làm rõ những biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát.

Cùng quan điểm, tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho biết: 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Hoạt động giám sát có nội dung chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; một số hoạt động giám sát đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả; một số hoạt động giám sát chưa có hướng dẫn chi tiết dẫn tới còn khó khăn trong tổ chức thực hiện…

“Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là thực sự cần thiết”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói.

giamsat6.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị công tác giám sát có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Quan tâm hơn nữa công tác “hậu giám sát”

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kiến nghị, các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có phạm vi rộng, để đạt được hiệu quả cao cần có sự định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn, giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và có trách nhiệm các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề trong năm 2024; đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong phần trách nhiệm của mình để việc giám sát ngày càng tốt hơn.

giamsat7.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

“Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý; những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

“Do đó, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung được xác định là một trong các khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.