Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng từ gốc

Minh Thúy| 23/04/2018 06:09

(HNM) - Chung cư là một


Do đặc thù mỗi chung cư có hàng trăm hộ gia đình với hàng nghìn người sinh sống, nếu ở những nơi này xảy ra bất ổn sẽ dẫn đến sự mất an ninh trật tự, an toàn xã hội ở phạm vi không nhỏ. Trên thực tế, nhiều mâu thuẫn tồn tại dai dẳng giữa cư dân với chủ đầu tư xây dựng và quản lý nhà chung cư vì không tìm được tiếng nói chung về quyền và nghĩa vụ. Trong bối cảnh đó, ban quản trị được xem như nhân tố quan trọng, là mắt xích khâu nối các bên, là yếu tố bảo đảm quyền lợi cho các chủ sở hữu.

Mặc dù có vai trò quan trọng, song trên thực tế, hiện số lượng ban quản trị được thành lập tại các chung cư đã đưa vào sử dụng trên địa bàn TP Hà Nội chưa nhiều. Con số này tại một số quận lần lượt là: Bắc Từ Liêm 38/104, Nam Từ Liêm 49/123, Hoàng Mai 78/229… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chủ đầu tư thiếu mặn mà trong tổ chức hội nghị nhà chung cư, không cung cấp văn bản pháp lý, không phân định rõ diện tích chung - riêng…

Soi chiếu với quy định pháp luật, rất nhiều chủ đầu tư đã phủi trách nhiệm, trong khi đó, ở nhiều nơi chính quyền địa phương và chính cư dân không sát sao với việc này. Chỉ khi mâu thuẫn thành điểm nóng, chính quyền mới vào cuộc. Nhưng khi ấy, bức xúc của cư dân đã lan rộng, không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều.

Trước thực tiễn này, TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng lập đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm; Ban Đô thị, HĐND thành phố cũng tiến hành giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý sử dụng nhà chung cư… Tuy nhiên, nếu mọi khúc mắc không được tháo gỡ từ gốc, các bên liên quan không tập trung giải quyết thì việc thành lập ban quản trị nhà chung cư vẫn khó vào quỹ đạo.

Giải quyết từ gốc là nguyên tắc cơ bản của mọi vấn đề. Do đó, ngay từ khi chủ đầu tư triển khai dự án, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ, buộc chủ đầu tư xây dựng công trình theo đúng quy hoạch và thiết kế được phê duyệt. Bởi sự buông lỏng sẽ nảy sinh sai phạm như tự ý thêm tầng; thiếu hệ thống phòng cháy, chữa cháy; tầng kỹ thuật bị "hô biến" thành căn hộ... Vi phạm này nếu không xử lý sẽ khiến quyền lợi của cư dân mỗi nhà chung cư không được bảo đảm và khó đi đến thống nhất giữa các bên khi thành lập ban quản trị.

Hiện nay còn một thực tế là các địa phương, chủ đầu tư nhà chung cư cùng chịu sự điều chỉnh của một hệ thống pháp luật, nhưng có địa bàn thành lập được nhiều ban quản trị, nơi lại “bó tay”. Nơi quyết liệt xử lý vi phạm, nơi than khó… Điều này cho thấy, chỉ khi chính quyền sát sao, quyết liệt thì chủ đầu tư chung cư mới không làm ngơ, chối bỏ nghĩa vụ. Vì thế, rất nên xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra những điểm nóng tại các chung cư.

Bên cạnh đó, để người dân có thêm thông tin khi mua căn hộ, cần công khai danh sách chung cư có vi phạm hay danh tính chủ đầu tư cố tình né tránh bầu ban quản trị. Việc minh bạch thông tin sẽ giúp loại bỏ những chủ đầu tư chỉ biết làm lợi cho mình mà “quên” trách nhiệm trước cư dân, trước cộng đồng. Đồng thời, cần tăng cường chế tài với những chủ đầu tư này như hạn chế cho phép tham gia các dự án khác trên địa bàn, phạt nặng về tài chính…

Chung cư là tài sản sở hữu chung nên mỗi cư dân phải có trách nhiệm với ngôi nhà chung đó. Sự đoàn kết, đồng thuận, cùng thực hiện quy định pháp luật của mỗi cư dân về thành lập ban quản trị là những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi cho chính mình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.