Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng trong cấp phiếu lý lịch tư pháp

Hà Phong| 01/07/2017 07:28

(HNM) - Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng chậm, lạm dụng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp - giấy có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp đã được Bộ Tư pháp đề xuất trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Theo đó, người dân sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thời gian đi lại và thủ tục hành chính.


Sớm khắc phục bất cập


Thời gian qua, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố đã giải quyết được một số lượng lớn yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài và người Việt Nam. Song, theo phản ánh của người dân, một trong những điểm “nghẽn” của luật hiện hành là quy định không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp. Quy định này gây khó cho những người đi công tác xa nơi đăng ký thường trú, nhất là công dân đi du học, người nước ngoài, phải mất nhiều thời gian và chi phí.

Giải quyết những vướng mắc trong cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục. Ảnh: Thái Hiền

Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc quản lý lý lịch tư pháp là tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, nhưng trên thực tế, việc thực hiện không được như mong muốn. Cụ thể, dù luật đã nêu rõ, 2 loại phiếu lý lịch tư pháp gồm, số 1 (ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa), số 2 (thể hiện cả những án tích như tội danh, điều khoản áp dụng, hình phạt, thời gian tuyên án, thi hành án) đã được xóa bỏ; chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân. Tuy nhiên, hiện có nhiều cơ quan, tổ chức lạm dụng quyền được cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 của cá nhân để yêu cầu người dân nộp bổ sung phiếu này trong hồ sơ xin thị thực nhập cảnh, kết hôn, xin việc làm, cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam…, nhằm “nắm” thông tin bí mật đời tư. Điều này khiến người dân tốn kém chi phí và thời gian, còn với người từng lầm lỡ sẽ gặp khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng.

Để khắc phục bất cập này, Bộ Tư pháp đề xuất, đối với phiếu lý lịch tư pháp số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, không cấp cho cá nhân. Đồng thời, đa dạng các hình thức nộp hồ sơ và cấp phiếu với thời gian ngắn nhất. Đơn cử, thay vì phải mất 10 ngày để cấp phiếu như luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi giảm còn 7 ngày làm việc; cho phép cấp phiếu qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến... Thẩm quyền cấp phiếu được phân cấp chủ yếu cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố; Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia chỉ giải quyết những trường hợp cá biệt, phức tạp. Đáng chú ý, theo dự thảo luật sửa đổi, cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp...

Làm rõ thêm một số quy định


Tại cuộc họp của Ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp mới đây, đa số ý kiến đồng thuận với quy định không cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân. Tuy nhiên, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông còn băn khoăn, bởi trên thực tế, một số ngành đặc thù vẫn yêu cầu phải có phiếu số 2 trong khi dự thảo quy định chỉ cấp cho cơ quan tố tụng. Vì thế, nên bổ sung cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng vừa ngăn chặn tình trạng lạm dụng bí mật đời tư, vừa thuận lợi cho công tác quản lý.

Các ý kiến cũng thống nhất với chủ trương đẩy nhanh tiến độ cấp phiếu lý lịch tư pháp, nếu làm được sẽ là bước đột phá trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho rằng, nhiều trường hợp, cá nhân có biến động trong cuộc sống; người lang thang cơ nhỡ, người không có quốc tịch, người có nhiều bản án, đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành, có hành vi phạm tội ở nhiều nơi…, việc xác minh lý lịch tư pháp gặp rất nhiều khó khăn. Nếu dự thảo luật sửa đổi không tạo hướng mở, giải quyết bế tắc cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố cũng như người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trong trường hợp này bằng thời hạn và thủ tục riêng thì khó có thể tạo sự chủ động cho cơ quan quản lý và công dân.

Nhận định những đề xuất của Bộ Tư pháp phù hợp với mô hình chính phủ điện tử, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thanh Cao nhấn mạnh thêm, lý lịch tư pháp là vấn đề hệ trọng đối với mỗi cá nhân. Sở Tư pháp là đơn vị cấp phiếu lý lịch tư pháp, nhưng phải dựa vào kết quả phối hợp tra cứu, xác minh thông tin về án tích từ phía công an. Trong khi đó, biên chế của Sở Tư pháp không tăng; lại mới được bổ sung nhiệm vụ xóa án tích. Với thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp là 10 ngày như hiện nay, cán bộ, công chức đã phải chịu áp lực về tiến độ, vì vậy cơ chế phối hợp phải nhuần nhuyễn và hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Phạm Thanh Cao, việc trả phí yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp sau khi xóa án tích cần quy định mức cao hơn trường hợp không có án tích. Trên thực tế, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân không có án tích nhanh và đơn giản hơn. Quy định như vậy mới thể hiện sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, bảo đảm lợi ích của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng trong cấp phiếu lý lịch tư pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.