Cải cách hành chính

Thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại cấp huyện: Giảm tải, tạo thuận lợi cho người dân

Hà Phong 18/03/2024 - 06:39

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân, công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu, song trung bình hằng năm, toàn quốc vẫn có khoảng 2% trường hợp bị trễ hạn.

Để từng bước giải quyết tình trạng này, Bộ Tư pháp đã đề xuất thí điểm thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp tại cấp huyện trong 2 năm, trước mắt ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An. Chủ trương khi được triển khai chắc chắn sẽ giúp giảm tải, tạo thuận lợi hơn cho người dân.

tu-phap.jpg
Việc thí điểm thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp tại cấp huyện sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân.

Đề xuất phân cấp tại 3 địa phương

Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp bao gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp cấp tỉnh. Trong bối cảnh nhu cầu của người dân tăng cao, nhưng nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp cấp tỉnh còn hạn chế, việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Hà Nội, đã có thời điểm trong năm 2023, lượng người tới Sở Tư pháp Hà Nội xác minh lý lịch tư pháp tăng đột biến, gây quá tải trong khâu xử lý. Không ít người phải đi từ 4-5h sáng đến Sở Tư pháp lấy số thứ tự, nhiều người tới 4 lần mới đến lượt làm hồ sơ,...

Theo Bộ Tư pháp, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An là 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp hơn 51.000 phiếu, Nghệ An cấp 56.900 phiếu, thành phố Hồ Chí Minh cấp 95.000 phiếu.

Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, Bộ Tư pháp đã đề nghị phân cấp thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện, sử dụng nguồn nhân lực sẵn có của Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất nước là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An.

Tại cuộc họp báo cáo về chủ trương thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp vừa diễn ra, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Đỗ Thị Thúy Lan cho biết, Bộ Tư pháp đã bổ sung tiêu chí để lựa chọn Phòng Tư pháp nhằm bảo đảm việc thí điểm hiệu quả, có cơ sở đánh giá, tổng kết; quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa Phòng Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong tra cứu, xác minh thông tin cấp phiếu lý lịch tư pháp. Bộ cũng đề xuất thời gian thực hiện thí điểm đối với chính sách này là 2 năm. Đây là lộ trình đủ cho các địa phương chuẩn bị nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời có thời gian cho công tác sơ kết, tổng kết trước khi đề xuất sửa đổi quy định của Luật Lý lịch tư pháp, áp dụng trên phạm vi cả nước.

Tăng tính chủ động của chính quyền địa phương

Theo Bộ Tư pháp, số lượng Phòng Tư pháp được áp dụng thí điểm ít nhất là 1/3 trong tổng số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; riêng tỉnh Nghệ An ít nhất là 5 Phòng Tư pháp. Danh sách Phòng Tư pháp thực hiện thí điểm được Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Nghệ An.

Đón nhận thông tin trên, luật gia Lê Quang Vững cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện là giải pháp cần thiết, phù hợp với tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính chủ động của chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, do nội dung này chưa có trong quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, để triển khai, Bộ Tư pháp cần sớm xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Nghệ An.

Cùng quan điểm, ông Đoàn Nam (ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) nhận định, đã có thời điểm người dân phải xếp hàng từ rất sớm để nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội, gây bức xúc trong dư luận. Hà Nội đang có 30 đơn vị hành chính cấp huyện. Việc thí điểm phân cấp về cơ sở trên địa bàn thành phố không những góp phần tránh quá tải cho bộ phận “một cửa” Sở Tư pháp, mà còn tạo thuận lợi hơn cho người dân làm thủ tục nhanh gọn ngay tại địa bàn mình sinh sống.

Với quan điểm đẩy nhanh phân cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp mới đây, Hà Nội cũng kiến nghị thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại tất cả các quận, huyện, thị xã.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại cấp huyện: Giảm tải, tạo thuận lợi cho người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.