(HNM) - Thời gian qua, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội đã đi vào nền nếp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội giám sát tại Sở Tư pháp. Ảnh: Hiền Chi |
Không có văn bản ban hành trái thẩm quyền
Sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được Quốc hội thông qua, Sở Tư pháp Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định về kế hoạch triển khai thi hành luật; đồng thời, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương về trình tự, thủ tục thực hiện.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tống Thị Thanh Nam cho biết, Sở đã giúp thành phố thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với các văn bản do HĐND, UBND quận, huyện, thị xã ban hành gửi đến và tự kiểm tra với các quyết định do UBND thành phố ban hành. Qua kiểm tra cho thấy, các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, phù hợp pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của địa phương và trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng chia sẻ, Phòng Tư pháp huyện đã giúp UBND huyện thẩm định toàn bộ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND huyện. Qua đó, chất lượng, nội dung, hình thức văn bản được nâng lên, hạn chế thấp nhất các văn bản chồng chéo, trái với văn bản của cấp trên. Đặc biệt, không có văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND huyện ban hành không đúng thẩm quyền.
Thu hút chuyên gia, công chức giỏi
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong đợt giám sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội “Về việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2015-2018”, nhiều đơn vị phản ánh, luật không giao chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản, nhưng trong thực tế quản lý mọi mặt đời sống xã hội ở địa phương xuất hiện nhu cầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết: Trên địa bàn huyện có các vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, song huyện loay hoay chưa ban hành được văn bản, vì chưa rõ huyện có được ban hành văn bản hay chỉ thực hiện theo các quy định của thành phố và Luật Đất đai. Tương tự, huyện cũng đang “vướng” trong việc ban hành văn bản liên quan đến cơ chế về thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Một khó khăn nữa ở các địa phương là hiện chưa có công chức chuyên trách về công tác văn bản nên chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc giúp thủ trưởng cơ quan chuyên môn kiểm tra văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Trong khi công chức tư pháp ở huyện và xã, thị trấn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cũng cho rằng: “Theo quy định của luật, khi xây dựng văn bản phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tuân thủ thẩm quyền, trình tự, thủ tục, bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi… Song, trình độ chuyên môn về pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức trên địa bàn huyện còn rất hạn chế”.
Đồng quan điểm về thực tế ở cấp huyện và cấp xã có nhiều cán bộ còn lúng túng về các vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội cho rằng: “Năng lực cán bộ như vậy, nếu tham mưu ra một văn bản liên quan đến đời sống xã hội của nhiều người dân mà bị sai thì sẽ vô cùng phức tạp. Do đó, nên nâng cao chất lượng công tác tập huấn theo hình thức chuyên sâu về từng nội dung”.
Để khắc phục bất cập này, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn khẳng định, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cán bộ tư pháp cơ sở, trên tinh thần đổi mới phương pháp tập huấn, nâng cao hiệu quả. Đồng thời, Sở sẽ thực hiện đúng quy định là mời Sở Nội vụ và Sở Tài chính cùng tham gia công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, về lâu dài, để nâng cao việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đòi hỏi bộ, ngành chức năng cần xây dựng cơ chế thu hút chuyên gia và cán bộ, công chức giỏi, am hiểu lĩnh vực này. Đặc biệt, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp, bảo đảm khi triển khai phát huy được vai trò, tính chủ động trong công tác quản lý nhà nước của chính quyền cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2015 đến tháng 7-2018, HĐND, UBND TP Hà Nội ban hành 216 văn bản quy phạm pháp luật (53 nghị quyết, 163 quyết định); HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã ban hành 813 văn bản (276 nghị quyết, 537 quyết định); HĐND, UBND cấp xã ban hành 3.390 văn bản (2.803 nghị quyết; 587 quyết định). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.