Chính trị

Việc nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn vẫn kéo dài

Đình Hiệp 15/08/2023 - 11:16

Sáng 15-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật diễn ra trong nhiều năm mà chưa được khắc phục, gây khoảng trống pháp luật. 

dai-bieue.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15-8.

Một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, qua rà soát các văn bản liên quan đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, có đến 339 kiến nghị về khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Vừa qua, Chính phủ đã có 2 nghị định "gỡ vướng". "Bộ trưởng đánh giá như thế nào về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và cần có giải pháp nào để nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật?", đại biểu đặt câu hỏi.

tran-van-tien-vinh-phuc.jpg
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) chất vấn.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện nay, còn một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng thể chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chính của vấn đề trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, qua đó tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo?

trinh-minh-binh.jpg
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) chất vấn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ, chủ trương xuyên suốt của Đảng ta là xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là khâu trọng tâm đột phá... Tuy nhiên, nhiều năm qua, nguồn nhân lực xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa có sự đột phá, nhất là pháp chế. Ngoài ra, đại biểu cũng phản ánh tình trạng có lúc có tình trạng thông tư của các bộ, ngành chồng chéo, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện và đề nghị Bộ Tư pháp nêu rõ những giải pháp để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật?

hong-hanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn.

Tham gia chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) nêu rõ, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, tình trạng ban hành chậm mới chỉ được khắc phục căn cơ, có những nội dung đã được kiến nghị nhiều lần trước đây nhưng chưa được ban hành, hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền, không đúng với quy định của văn bản quy phạm pháp luật… Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết giải pháp và trách nhiệm của Bộ nhằm khắc phục tình trạng nói trên trong thời gian tới.

dieu-huynh-sang.jpg
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) chất vấn.

Số văn bản nợ, chậm từng năm tăng giảm nhất định

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến nguồn lực trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện cả nước có khoảng 10 nghìn người làm công tác pháp chế, trong đó gần 7.000 người hoạt động kiêm nhiệm; 89 tổ chức pháp chế ở trung ương và địa phương là 65 phòng pháp chế.

Về lực lượng pháp chế, Bộ trưởng cho biết, nếu so sánh với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực này rất mỏng, rất ít và khó đáp ứng được yêu cầu. Đáng lưu ý, một số bộ, ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế.

Về kiểm tra văn bản, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thẩm quyền kiểm tra văn bản đã tương đối rõ, trong đó thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chủ quản - những chủ thể được quyền trình luật. Ngoài thẩm quyền chung, có thẩm quyền tự kiểm tra và rà soát. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Bộ Tư pháp không tự động kiểm tra tất cả các văn bản theo thẩm quyền mà các bộ, ngành tự kiểm tra, Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc với thẩm quyền hoặc giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc khi có dấu hiệu vi phạm.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.

Đối với chất vấn của đại biểu, nếu chỉ hậu kiểm thì có đủ đảm bảo chất lượng các văn bản được ban hành, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, nếu thực hiện tiền kiểm thì tốt nhưng khả năng tiền kiểm thông tư hiện vẫn chưa làm được, mà cần tập trung vào văn bản pháp lý cao hơn, còn lại vẫn dựa vào lực lượng pháp chế.

Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đề xuất một loạt các ý tưởng mới, thời gian qua, theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có một số vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu nhưng chưa có kế hoạch sửa đổi, bổ sung cụ thể.

Trả lời câu hỏi đại biểu liên quan đến sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, Bộ trưởng khẳng định, có tình trạng này, nhưng để lượng hóa rất khó, có tình trạng đổ lỗi cho hệ thống pháp luật hoặc do tổ chức thực hiện. Bộ trưởng cho rằng, do không xem xét các vấn đề trên tổng thể mà đổ lỗi do pháp luật; một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình” hoặc hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, hành chính hóa.

Trả lời chất vấn của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, việc nợ chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm tăng. Thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng có báo cáo về vấn đề này, tuy nhiên số liệu chưa tương đồng.

“Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tương thích về các chi tiết. Tuy nhiên, về tổng thể, có thể khẳng định tình trạng chậm, nợ văn bản là sự thật. Dù đã rất cố gắng, nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, xử lý cho Bộ luật Lao động; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế… Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định đảm bảo tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

thuy-thuy.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) chất vấn.

Tranh luận về việc nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) cho biết, Bộ trưởng đã giải trình và đưa ra một số giải pháp, tuy nhiên, thực tế việc chấp hành nguyên tắc xây dựng pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa nghiêm. Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan trình dự án Luật phải trình kèm theo các dự thảo hướng dẫn. Đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Bộ trưởng cần có giải pháp cụ thể hơn để khi trình các dự án Luật phải kèm theo các dự thảo hướng dẫn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việc nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn vẫn kéo dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.