Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ “điểm nghẽn”, phát triển nông nghiệp

Hồ Bách| 14/06/2017 06:51

(HNM) - Ngày 13-6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Đoàn TP Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Nhật Nam


Tránh "khủng hoảng thừa"

Mở đầu phần chất vấn "tư lệnh" ngành Nông nghiệp, nhiều đại biểu cùng đề cập đến tình hình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp diễn ra chậm, tăng trưởng chưa đạt yêu cầu so với Nghị quyết của Quốc hội; tình trạng "khủng hoảng thừa" tái diễn và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có giải pháp tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, tình trạng sản xuất chưa gắn với tiêu thụ sản phẩm đã diễn ra quá lâu. Đây là việc phải nghiên cứu giải quyết cả tầm vĩ mô và vi mô nhưng “ứng xử” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) rất lúng túng, cái gì dễ thì làm, cái gì khó thì chưa tập trung. Trong khi đó, các đại biểu: Nguyễn Thị Ngọc Lan (Đoàn Bắc Ninh), Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) bày tỏ băn khoăn trước nhiều tài nguyên, nguồn lực của ngành Nông nghiệp còn đang bị lãng phí. Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu mạnh cho hàng hóa nông sản.

Vấn đề quy hoạch được đại biểu Nguyễn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) nêu lên khi chất vấn về căn cứ ngành Nông nghiệp đưa ra quy hoạch ngành chăn nuôi với 32 triệu con lợn vào năm 2015. Đáng lo ngại là đến năm 2016, thị trường mới có 27 triệu con lợn đã xảy ra "khủng hoảng thừa". Phản ánh bài ca "được mùa, mất giá; được giá, mất mùa" lặp lại qua nhiều nhiệm kỳ, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, thực trạng đáng suy ngẫm là hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, hạt tiêu và giờ đến thịt lợn, trứng gà, bí đỏ, chuối... làm cho danh sách nông sản ế thừa kéo dài mãi.

Do đó, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tăng thêm thời gian của phiên chất vấn tại kỳ họp này nhằm tìm ra giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc làm này không phải để phê phán, quy kết trách nhiệm cho bộ, ngành nào mà điều quan trọng là tìm ra giải pháp đúng để sau này không phải nói lại.

Hoàn thiện thể chế, nâng trách nhiệm từng khâu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Ảnh: Nhật Nam


Trả lời thẳng nhóm câu hỏi của nhiều đại biểu về vấn đề sản xuất và lưu thông trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bắt kịp tín hiệu thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Trưởng ngành phải có trách nhiệm đầu tiên, nhưng một trưởng ngành không bao giờ giải quyết hết việc được. “Người nông dân trông chờ không chỉ Bộ trưởng, mà cả hệ thống của chúng ta phải làm tốt hơn nữa từ khâu sản xuất đến lưu thông, đó là yêu cầu chính đáng” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và hứa với quyết tâm cao, sẽ chỉ đạo các đầu mối liên kết phải làm hết sức mình để hạn chế điệp khúc “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa”.

Lý giải cụ thể lý do khủng hoảng thừa đàn lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguyên nhân chính là do khối lượng sản xuất khổng lồ trong khi đầu ra vẫn chưa được tổ chức tốt. Việc liên kết giữa khâu sản xuất và chế biến chỉ đạt khoảng 20%. Trong khi 90% sản phẩm vẫn là tiêu thụ theo phương thức truyền thống, không phù hợp với chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng của xã hội. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, do cơ cấu thực phẩm hiện nay đã thay đổi, nhân dân có nhiều sự lựa chọn hơn về thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày nên mức tiêu thụ thịt lợn đã giảm đáng kể, cung vượt cầu.

Làm rõ hơn sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong định hướng thị trường cho hàng hóa nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là phải căn cứ theo tín hiệu của thị trường. Việt Nam có dư địa rất lớn để xuất khẩu, trong đó có mặt hàng thịt lợn nhưng về hàng rào kỹ thuật, hàng hóa nông sản chưa bảo đảm yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật một cách đồng bộ, trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch về đất đai, tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ... để sản xuất hàng hóa. Đây là nhóm giải pháp quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Bộ trưởng cho biết, mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 là tốc độ tăng trưởng sản phẩm toàn ngành đạt tối thiểu 3%, tỷ trọng lao động nông nghiệp có chứng chỉ đào tạo tăng lên khoảng 22%. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, tranh luận mang tính xây dựng, đạt yêu cầu đề ra. Cho rằng, mặc dù thời gian nhận nhiệm vụ mới 11 tháng, nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nắm rõ thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý và trả lời rất thẳng thắn.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua lĩnh vực nông nghiệp đã ghi nhận nhiều chuyển biến, cơ cấu ngành chuyển dịch tích cực, một số mặt hàng đạt giá trị cao trên thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục nghiên cứu tháo gỡ những “điểm nghẽn” để thúc đẩy ngành phát triển. Trước hết là rà soát, hoàn thiện và phát triển việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong năm 2017 trình Thủ tướng ban hành kế hoạch, lộ trình cụ thể để tái cơ cấu ngành giai đoạn 2017 - 2020. Tiếp đó là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; hướng dẫn UBND các tỉnh, thành thực hiện bộ tiêu chí đánh giá cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020.

Nóng vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà và công tác cán bộ

Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời chất vấn. Có 54 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện xoay quanh những sự cố vừa qua ở Cục Nghệ thuật biểu diễn; quy hoạch bán đảo Sơn Trà; vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành Du lịch...

Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thừa nhận công tác quản lý của ngành về văn hóa, du lịch... còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng mong đợi của người dân. Về vấn đề quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Bộ trưởng cho biết: Dựa trên những văn bản của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành lập quy hoạch bán đảo Sơn Trà. Trong quá trình lập quy hoạch, bộ đã phối hợp chặt chẽ với TP Đà Nẵng, lấy ý kiến 11 bộ, ngành liên quan. Quy hoạch được lập đúng quy trình, tuân thủ các căn cứ pháp lý. Vừa qua có ý kiến của công luận và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, bộ đã nghiêm túc tiếp thu. 

Với những vụ việc vừa qua xảy ra ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng thừa nhận đây là bài học quản lý sâu sắc. “Là Bộ trưởng, tôi xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Bộ sẽ có những giải pháp để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, thanh lọc, kể cả việc điều chuyển cán bộ” - Bộ trưởng nói.

Bách Sen

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ “điểm nghẽn”, phát triển nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.