(HNM) - Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều mô hình thanh niên xây dựng kinh tế nông thôn và tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, du lịch... đã được phát triển, công nhận OCOP, thâm nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị kinh tế… Từ kết quả này, việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cùng OCOP đang được nhiều ban, ngành, địa phương tích cực triển khai.
Thành công từ sản phẩm OCOP
Sau khi tốt nghiệp ngành Y học cổ truyền của một trường cao đẳng, anh Lê Đình Tuấn (sinh năm 1989) ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) đã về quê lập nghiệp. Từ các loài cây, hoa có nhiều công dụng cho sức khỏe, anh Tuấn nghiên cứu, tìm tòi để chế biến thành các sản phẩm mà thị trường đang cần như trà hoa vàng, hoa cúc, hoa hồng... Được thị trường đón nhận, anh tiếp tục nghiên cứu, phát triển, đến nay đã có 60 sản phẩm gồm các loại: Trà hoa; tinh bột (nghệ, trà xanh, đậu nành); tinh dầu (bưởi, xả); hoa quả sấy, ướp ô mai (cà chua, sấu, mận)... Mới đây, anh Lê Đình Tuấn đã chọn 12 sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và đã được công nhận 4 sao.
“Chúng tôi đã được huyện Thanh Trì hỗ trợ, tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì cho sản phẩm. Sản phẩm được chứng nhận OCOP đã mở ra triển vọng mới cho đơn vị trong tiếp cận thị trường…”, anh Lê Đình Tuấn nói.
Còn anh Phùng Đắc Dũng (sinh năm 1984) ở thôn Dương Đá, xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) cho biết: “Gia đình tôi có nghề chế biến tinh bột nghệ khô. Từ nền tảng đó và được bố mẹ ủng hộ, tôi đã phát triển cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của gia đình thành Hợp tác xã Sản xuất nghệ và tinh dầu Bà Bé. Bước phát triển này giúp việc sản xuất bài bản hơn. Sản phẩm của hợp tác xã đáp ứng các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, có liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu ổn định...”. Đến nay, hợp tác xã đã có 11 sản phẩm tinh bột nghệ, tinh dầu được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Trên đây là hai trong số rất nhiều trường hợp khởi nghiệp và thành công với sản phẩm OCOP. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí: Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ các chủ thể khai thác lợi thế là sản phẩm sẵn có ở địa phương (quy mô làng, xã), nâng cấp mẫu mã và chất lượng để trở thành các sản phẩm cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia, từ đó gia tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Thông thường, những người trẻ tuổi hiện nay có tri thức và hoài bão để đổi mới sáng tạo, đưa kiến thức khoa học công nghệ và kỹ năng quản trị mới vào sản xuất - đó chính là lợi thế để thế hệ trẻ phát triển các sản phẩm OCOP. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ về Chương trình OCOP. Ngoài ra, nhiều thanh niên mới khởi nghiệp còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên rất cần được hỗ trợ.
Hỗ trợ thanh niên phát triển sản phẩm OCOP
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, mới đây, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Thanh niên khởi nghiệp với Chương trình OCOP năm 2020”.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng cho biết: Thành đoàn có nhiều cơ chế hỗ trợ đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp trẻ tiếp cận vốn vay ưu đãi để khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp cùng Chương trình OCOP nói riêng. Các bạn trẻ cần lưu ý, hồ sơ vay phải thể hiện rõ sản phẩm được chọn, các thế mạnh và hướng phát triển của sản phẩm thì mới có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.
Còn theo Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội) Ngọ Văn Ngôn: Khi có ý tưởng khởi nghiệp cùng OCOP, đoàn viên, thanh niên có thể đăng ký với huyện hoặc Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội để được hỗ trợ quy trình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật cũng như giống, vốn... phục vụ phát triển sản phẩm.
“Sau khi các chủ thể có sản phẩm đạt 3 sao trở lên, Hà Nội sẽ hỗ trợ truyền thông để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, thành phố sẽ tư vấn, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ máy móc và đào tạo, tập huấn miễn phí... cho các chủ thể”, ông Ngọ Văn Ngôn cho biết.
Từ thực tế triển khai Chương trình OCOP tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình thông tin: Thanh Oai sẽ thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với Chương trình OCOP, vừa phát triển thương hiệu, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, huyện sẽ tuyên truyền để thanh niên hiểu về Chương trình OCOP; các bước để xây dựng sản phẩm OCOP, lợi ích đem lại khi tham gia OCOP...
Có thể nói, OCOP là một "sân chơi" để những người trẻ phát huy được năng lực của mình, tận dụng lợi thế riêng có của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.