(HNM) - Để thực hiện chủ trương đổi mới công tác cai nghiện ma túy theo hướng tăng dần điều trị tự nguyện, giảm dần điều trị bắt buộc, HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Cử tri cho rằng chính sách ban hành là cần thiết, kịp thời nhằm hỗ trợ người nghiện từ bỏ ma túy, sớm hòa nhập cộng đồng.
Điều trị bằng Methadone giúp người nghiện ma túy nhanh cắt cơn và phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần. |
Đã kiềm chế nhưng chưa bền vững
Kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố về tình hình thực hiện công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai của TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 cho thấy, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện khá tích cực công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai; tạo điều kiện để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ người nghiện tiếp cận các dịch vụ điều trị mới hiệu quả hơn. Nổi bật sau 5 năm, các quận, huyện và trung tâm lao động xã hội đã triển khai thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đạt hiệu quả tốt. Bệnh nhân được phục hồi cả thể chất và tinh thần, sống có trách nhiệm hơn với gia đình và cộng đồng; người nghiện có thể vừa tham gia điều trị, vừa tham gia lao động sản xuất mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình, giảm gánh nặng kinh tế. Đặc biệt, các xung đột giữa người nghiện và gia đình do ma túy gây ra được cải thiện rõ rệt.
Dù vậy, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố cũng nhận định, tốc độ gia tăng người nghiện ma túy tuy đã được kiềm chế song chưa bền vững, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp vẫn lớn, đặc biệt trong giới trẻ, khó điều tra, thống kê. Bên cạnh đó, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời và đầy đủ, hiệu quả thấp; công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn cho người sau cai nghiện còn hạn chế, đơn điệu. Đáng lưu ý, mạng lưới các cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chưa phủ khắp các quận, huyện, thị xã; việc áp dụng chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y, bác sĩ ở các cơ sở này còn lúng túng, không bảo đảm chế độ...
Ngay sau khi Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố kiến nghị, Sở LĐ-TB&XH đã rà soát, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã kiện toàn tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, Sở cũng đánh giá hiệu quả việc cắt cơn tại Trạm Y tế cấp xã; phối hợp với Sở Y tế tham mưu đề xuất mô hình điều trị cắt cơn tại cộng đồng; đồng thời đánh giá, sơ kết việc tổ chức thực hiện Đề án mô hình cai nghiện tại cơ sở tự nguyện trước khi nhân rộng. Qua rà soát, cho thấy, theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thẩm quyền quyết định là TAND cấp huyện, nhưng hiện tại các ngành liên quan chưa tổ chức tập huấn và có văn bản hướng dẫn cấp cơ sở thống nhất cách lập hồ sơ, quy trình xét duyệt người nghiện đi cai nghiện bắt buộc dẫn đến sự lúng túng khi thực hiện quy trình xét duyệt đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc; quy định quy trình xét duyệt quá dài gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ…
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Khó khăn trong công tác cai nghiện bắt buộc, Hà Nội đã tìm hướng riêng nhằm giảm người nghiện, trong đó có cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ ba, HĐND TP Hà Nội khóa XV (nhiệm kỳ 2016-2021), HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương cho biết, hiện tại Chính phủ chưa có Nghị định quy định riêng về công tác cai nghiện tự nguyện và không quy định chế độ khuyến khích hỗ trợ cai nghiện tự nguyện. Để tạo điều kiện tối đa cho người nghiện cai tự nguyện, UBND thành phố đã đề xuất vận dụng chế độ chi như đối với người cai nghiện bắt buộc quy định tại Nghị định 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH của liên Bộ Tài chính và LĐ-TB&XH. Việc này qua thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố thấy phù hợp, nhằm khuyến khích người đi cai nghiện tự nguyện, giảm tác hại của ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép. Theo đó, thời gian hỗ trợ kinh phí cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố là 6 tháng cho người có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội; ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 65% chi phí, 35% còn lại do gia đình người nghiện chi trả.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ ba HĐND thành phố, nhiều cử tri các quận, huyện: Hà Đông, Đống Đa, Phú Xuyên, Thường Tín… đồng tình, đánh giá cao việc HĐND thành phố đã ban hành nhiều chính sách kịp thời, trong đó có chính sách hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn. Bởi chính sách ban hành sẽ giúp người nghiện ma túy sinh sống trên địa bàn thành phố có cơ hội lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp để từ bỏ ma túy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.