(HNM) - Tận tâm, tận tình điều trị phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề… cho trẻ em khuyết tật, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã gieo niềm tin yêu, hy vọng vào cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ khuyết tật. Lớn lên trong “gia đình” ấm áp, yêu thương, nhiều trẻ đã trưởng thành, hòa nhập xã hội.
Ân cần chăm sóc trẻ
Chứng kiến cuộc sống của 143 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng (khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe nói…) đang được nuôi dưỡng, điều trị thường xuyên tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai), mới thấy hết sự tận tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nơi đây. Từ sáng sớm, trẻ đã được những người bố, người mẹ thứ hai hướng dẫn, hỗ trợ làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi luyện tập phục hồi chức năng hoặc học chữ, học nghề…
Lớp Kỹ năng sống 1 do thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn làm chủ nhiệm là nơi tập trung những trẻ mắc chứng tự kỷ mức độ nặng, từ 6 đến 10 tuổi, mới vào trung tâm. Lớp học không có phấn trắng, bảng đen, sách vở, chỉ có sự tương tác giữa thầy và trò bằng cử chỉ, hành động và ngôn ngữ riêng biệt. Trong giờ học, mỗi trò một hoạt động riêng, nhưng thầy Tuấn luôn ân cần đến bên từng trẻ, dỗ dành, hướng dẫn trẻ thực hiện những kỹ năng đơn giản, như nắm mở bàn tay, đứng lên, ngồi xuống…
Lớp Kỹ năng sống 2 gồm 11 trẻ có nhận thức tốt hơn thì tỏ rõ sự hứng thú với giờ học kỹ năng ăn. Tại đây, cô giáo chủ nhiệm Đinh Phương Thảo tỉ mỉ hướng dẫn trẻ cách nhận biết các hoạt động của giờ ăn. “Sau 3 tuần học kỹ năng ăn, đa số trẻ đã nhận biết được giờ ăn”, chị Đinh Phương Thảo phấn khởi.
Ngoài những lớp học kỹ năng sống, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn còn có lớp học tiền học đường, lớp học đường và lớp hướng nghiệp - học nghề. Các lớp được sắp xếp phù hợp với từng dạng tật và khả năng nhận thức của trẻ.
Bà Hồ Quỳnh Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục - Hướng nghiệp và Dạy nghề (Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn), chia sẻ: “Việc dạy trẻ khuyết tật đặc biệt nặng vô cùng khó khăn, vất vả, nhưng chúng tôi đã vượt qua và gắn bó với bọn trẻ bằng thứ tình cảm rất khó diễn tả bằng lời. Chứng kiến trẻ tiến bộ từng ngày, chúng tôi thấy lòng ấm áp”.
Nhờ sự chăm sóc, dạy bảo ân cần của đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành chức năng, sự sẻ chia của cộng đồng, nhiều trẻ lớn lên tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn đã hòa nhập xã hội. Đó là em Nguyễn Trường Giang (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) hiện làm nghề điện; là Vũ Thị Lệ (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) trở thành nhân viên tại một cơ sở kinh doanh hàng hóa…
Ước mơ hòa nhập
Khu học tập, sinh hoạt, vui chơi gồm nhiều dãy nhà kiên cố, rợp bóng cây xanh. Trong phòng có đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ sinh hoạt. Ông Nguyễn Kim Cam, Giám đốc Trung tâm cho hay, hiện nay, đời sống vật chất của trẻ ở trung tâm tương đối đầy đủ. Ngoài sự quan tâm của Nhà nước, trẻ còn được một số tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tặng quà, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi. Điều trẻ cần nhất hiện nay đó là cơ hội hòa nhập.
Gắn bó với trẻ khuyết tật nhiều năm, thầy giáo Phùng Trần Hiệp, chủ nhiệm lớp Hướng nghiệp 1 nhận định, một số nghề được tổ chức giảng dạy tại trung tâm như máy tính, nghề thủ công đơn giản… tương đối phù hợp với trẻ khuyết tật. Sau quá trình học tập, đa số trẻ đều có khả năng làm những công việc đơn giản. Tiếc rằng, đến nay, mới có khoảng 30% số người khuyết tật lớn lên từ trung tâm, đã trở về với gia đình, cộng đồng có việc làm.
Chung nỗi niềm nêu trên, ông Nguyễn Văn Cương (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức), cho biết: “Sau 10 năm được nuôi dưỡng, điều trị phục hồi chức năng, học nghề máy tính tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn, con gái tôi vừa trở về với gia đình. Hiện nay, cháu có thể biết làm máy tính văn phòng, nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp. Tôi mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng lao động khuyết tật”.
Với kinh nghiệm trị liệu phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn, bà Nguyễn Thị Hằng cho rằng, để người khuyết tật có cơ hội việc làm, thì sức khỏe, khả năng nhận thức của họ có vai trò quan trọng. Vì thế, khâu phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật cần được quan tâm nhiều hơn.
Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ, sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ khuyết tật sống tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn chuyển biến tích cực từng ngày. Để người khuyết tật có năng lực, cơ hội hòa nhập, hy vọng, các cơ quan, đơn vị chức năng và cộng đồng xã hội đồng hành, tiếp sức nhiều hơn cho họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.