Trái tim nhân ái

Tìm "ngọc quý" trong trẻ khuyết tật

Bảo Hân 27/01/2024 - 07:18

Với những bạn trẻ không may mắn, sinh ra có khuyết tật bẩm sinh, hành trình rèn giũa giúp họ trưởng thành khổ công như “mài ngọc quý”.

Bà Đào Thanh Hoàn, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân, đã nguyện dấn thân vào hành trình ấy, với khát khao tạo cho các bạn trẻ môi trường học tập, làm việc hạnh phúc.

tre-khuyet1.jpg
Rèn kỹ năng cho trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân.

Niềm vui ở xưởng hướng nghiệp

Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc, cơ sở thứ 5 của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân nằm ở phường Dương Nội, quận Hà Đông. Sau hơn một năm hoạt động, xưởng đã là chốn đi về thân quen của Đỗ Văn Đạt và nhiều học viên khuyết tật, tự kỷ khác.

Cơ duyên đến với Đỗ Văn Đạt (23 tuổi) sau chuyến thăm trung tâm vào tháng 3-2022, anh đã thuyết phục gia đình để xin theo học tại đây. Nhà xa, gia cảnh khó khăn, mỗi ngày, Đạt và nhóm bạn trong khu vực đều được các thầy cô đưa đón từ ngã 3 Ngọc Hồi (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) lên xưởng thực nghiệm để học nghề làm oản nghệ thuật. Chỉ sau thời gian ngắn, Đạt đã trở thành một trong những thợ chính của xưởng. Chàng trai bị khuyết tật ở mắt, có thể làm ra hàng chục chiếc oản nghệ thuật, tạo hình, trang trí cho các chân đế oản bằng giấy màu mỗi ngày. Không chỉ làm giỏi, Đạt còn có thể dạy lại cho các học viên mới.

“Với những sản phẩm làm ra, tôi đã được nhận mức lương 4 triệu đồng/tháng, bao gồm cả chi phí ăn uống, đi lại. Với số tiền này, tôi có thể tự lo cho bản thân và dành một chút cho gia đình. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi”, Đỗ Văn Đạt xúc động nói.

Không may mắn nói năng trôi chảy như Đạt, cô gái Trương Thanh Cúc (20 tuổi) mắc hội chứng down, khả năng diễn đạt hạn chế, chỉ biết dùng ánh mắt để diễn tả niềm vui của mình. Công việc của Cúc là gấp giấy màu thành khối hình nón để xếp hoa làm chân đế oản, tuy đơn giản với người khác, nhưng với Cúc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và khổ công luyện tập. Nhìn Cúc làm việc ai cũng nhận thấy chị thật sự trân trọng công việc của mình.

Gần Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, trung tâm nhận được thêm nhiều đơn hàng. Đạt, Cúc cùng các học viên là người khuyết tật, tự kỷ tại đây càng tỉ mỉ chăm chút cho từng chi tiết nhỏ, để sản phẩm chỉn chu, hoàn mỹ. Ở đây, các bạn trẻ được trải nghiệm, giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp, hình thành thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động.

Bên cạnh đó, thông qua sự chăm sóc, dạy dỗ của các thầy, cô, các bạn trẻ còn hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hóa, có ý thức hợp tác nhóm. Đây cũng chính là mục tiêu giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên khuyết tật của Trung tâm Ngọc Ân.

Nơi trả ơn cuộc đời

Kể lại việc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân, bà Đào Thanh Hoàn luôn nghẹn ngào xúc động bởi đó là cả hành trình đầy gian khó. Là một người mẹ có con mắc chứng rối loạn tự kỷ điển hình, bà Hoàn thấu hiểu hơn ai hết con cần những gì ở bố mẹ và cộng đồng để có thể hòa nhập môi trường sống.

tre-khuyet2.jpg
Hướng dẫn trẻ làm oản nghệ thuật tại Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân).

“Con đặc biệt nên phải có cách giáo dục đặc biệt, đi trên con đường đặc biệt”, suy nghĩ ấy đã thôi thúc bà Hoàn bảo vệ thành công đề án, được cấp phép thành lập Trung tâm Ngọc Ân vào tháng 9-2020. Môi trường học tập cho trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ nói riêng, trẻ khuyết tật nói chung tại Ngọc Ân hướng tới sự can thiệp sớm, giáo dục tiền tiểu học, hỗ trợ hòa nhập và cả thực nghiệm hướng nghiệp cho trẻ.

Từ một cơ sở ban đầu tại Hà Nội, bà cùng các cộng sự đã mở rộng mạng lưới ra 6 cơ sở trong khắp cả nước. Cơ sở thứ 6 vừa đi vào hoạt động tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm can thiệp sớm đầu tiên trong cả nước dạy tiếng Anh cho trẻ.

Cùng đồng hành, chia sẻ gian khó với bà Hoàn là tập thể 30 thầy, cô giáo. Tại cơ sở 5, việc hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật, tự kỷ thật vất vả bởi các bạn trẻ khó tập trung, độ khéo léo còn hạn chế. Thầy, cô phải chỉ dạy từng chút, kiên trì và nhẫn nại, từ cách cầm kéo, kẻ một đường thẳng trên giấy.

“Thấy những bạn nghịch, không nghe lời hay giảng mãi rồi mà vẫn không tiếp thu, tôi phải kiềm lòng. Dạy họ, tôi cũng học được sự kiên nhẫn. Chỉ có tình yêu thương, cô và trò mới đồng hành được với nhau”, cô giáo Phạm Thanh Dung chia sẻ.

Sau can thiệp sớm, trẻ tự kỷ dần lớn lên, trưởng thành, nếu không tiếp tục được hỗ trợ sẽ khó hòa nhập. Đặc biệt ở tuổi trưởng thành, các bạn trẻ cần một công việc để tự nuôi sống bản thân, hỗ trợ trang trải cho gia đình. Thực tế này thôi thúc bà Hoàn tiếp tục tìm hướng phát triển nghề và tiêu thụ sản phẩm cho các bạn trẻ tự kỷ.

Hiện nay, cơ sở dạy nghề ở Dương Nội đang tạo công ăn việc làm cho 6 thành viên khuyết tật với mức thu nhập ổn định. Các sản phẩm của trung tâm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và được người tiêu dùng đánh giá cao. Một số siêu thị tại Hà Nội cam kết sản phẩm làm ra đến đâu sẽ nhập vào đến đó. Trung tâm cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn từ các tỉnh, thành phố lân cận nên cả thầy và trò không còn lo lắng về “đầu ra”.

Đánh giá cao về mô hình giáo dục toàn diện này, PGS.TS Phạm Minh Mục, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia cho biết, hiện chưa có cơ sở giáo dục nào tại Hà Nội hỗ trợ trẻ khuyết tật từ giai đoạn can thiệp sớm đến giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp. Do đó, Ngọc Ân là một mô hình phù hợp với thực trạng giáo dục trẻ khuyết tật hiện nay. Nhiều gia đình trẻ khuyết tật lớn tuổi đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một cơ sở giáo dục hướng nghiệp. Vì vậy, cần nhân rộng mô hình giáo dục toàn diện cho những bạn trẻ khuyết tật như Trung tâm Ngọc Ân.

Trên hành trình giúp các bạn trẻ yếu thế phát triển, tự tin trong xã hội, bà Đào Thanh Hoàn luôn muốn chứng minh bằng cơ sở khoa học. Bà viết sách, thi ý tưởng đổi mới sáng tạo và đã đoạt nhiều giải thưởng quan trọng. Tháng 8-2023, bà được vinh danh tại diễn đàn “Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ” diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ. Tháng 9-2023, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tôn vinh ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của bà. Tháng 10-2023, dự án của Trung tâm Ngọc Ân tiếp tục được vinh danh trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023 và đoạt giải Nhì trong tổng số 11 giải dành cho doanh nghiệp, cá nhân xuất sắc nhất. Đặc biệt, ngày 16-12-2023, Ngọc Ân được trao danh hiệu Tốp 10 thương hiệu uy tín quốc gia năm 2023.

Thêm những danh hiệu, thành tích được trao tặng, bà Đào Thanh Hoàn càng có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu đổi mới sáng tạo và đưa ứng dụng về tâm lý học để dạy dỗ, chăm sóc người khuyết tật, tự kỷ. Điều này tạo thêm động lực cho các thầy, cô giáo càng tâm huyết để tạo ra những ngôi trường, những mái ấm, nơi mài giũa, phát sáng chất ngọc quý trời ban ở mỗi bạn trẻ.

“Tiếp tục mở rộng, phát triển Ngọc Ân là cách tôi thầm trả ơn cho cuộc đời khi chính mình cũng được ban những viên ngọc quý, có được hạnh phúc như hôm nay”, bà Đào Thanh Hoàn xúc động nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm "ngọc quý" trong trẻ khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.