Ngày 2-9, Chính phủ được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ ở Libya đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tripoli và khu vực lân cận, trong bối cảnh làn sóng bạo lực diễn ra trong nhiều ngày qua đã khiến hàng chục người thiệt mạng.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Libya nhấn mạnh vì tính chất nghiêm trọng của tình hình hiện nay và vì lợi ích chung, Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tripoli và khu vực lân cận nhằm bảo vệ dân thường cũng như tài sản công và tư.
Theo Chính phủ Libya, bạo lực đang diễn ra và làm xáo trộn an ninh tại Tripoli, do đó tình hình đòi hỏi cần "thực hiện mọi thủ tục an ninh, quân sự và dân sự". Chính phủ Libya cũng đã hối thúc các nhóm vũ trang đối địch ngừng giao tranh và tuân thủ một lệnh ngừng bắn do LHQ bảo trợ.
Trong khi đó, các lực lượng đặc nhiệm ở miền Đông Libya ngày 2-9 tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào Tripoli. Theo chỉ huy các lực lượng đặc nhiệm ở miền Đông Libya Wanis Boukhamada, lực lượng này sẽ tiến vào Tripoli bằng đường bộ, đường biển và đường không. Tuy nhiên, sự can thiệp này đang chờ được Tướng Khalifa Haftar cho phép.
Giao tranh giữa lực lượng Chính phủ và các nhóm vũ trang bùng phát tại khu vực phía Nam Tripoli từ hồi đầu tuần trước và đến nay đã khiến ít nhất 41 người thiệt mạng và 123 người khác bị thương. Dù các bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Tripoli do LHQ bảo trợ song các nhân chứng cho biết vẫn nghe thấy nhiều tiếng nổ và súng bắn dữ dội tại một số khu vực ở Tripoli. Tình hình căng thẳng khiến Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại đồng thời kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực ở Libya theo một thỏa thuận ngừng bắn do LHQ làm trung gian.
Libya rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.