(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thế nhưng, trong năm 2019, số ca mắc mới HIV có xu hướng gia tăng. Điều đó cho thấy, đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nguy hiểm. Trước thực tế trên, thành phố đang tập trung các biện pháp nhằm kéo giảm ca nhiễm HIV trong cộng đồng.
Lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 9 tháng năm 2019, Hà Nội phát hiện thêm 1.238 trường hợp nhiễm HIV mới, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó chủ yếu là nam giới (chiếm 76,9%). Như vậy, tính đến ngày 30-9-2019, trên địa bàn thành phố có 22.221 trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống.
Hiện 100% quận, huyện, thị xã đều có người nhiễm HIV. Điều đáng nói, trong khi lây truyền HIV qua đường máu giảm từ 63,2% năm 2014 xuống còn 26,7% vào tháng 9-2019 thì lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng mạnh, từ 36,2% năm 2014 lên đến 72,4% vào tháng 9-2019.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước đây, việc lây truyền HIV qua đường máu (chung kim tiêm chích ma túy) chiếm tỷ lệ cao nhất. Thế nhưng, hiện nay, số người lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng cao, trong đó lây truyền nhiều nhất qua đường quan hệ tình dục đồng giới nam (chiếm 27,5%) và đang gia tăng rất nhanh.
Thêm vào đó, tính chất di biến động dân cư của Thủ đô làm cho dịch khó kiểm soát và khó phát hiện hơn. Tình trạng kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn còn. Đây cũng chính là rào cản làm người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV.
Ngoài ra, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh HIV chưa được duy trì thường xuyên, mới chỉ tập trung trong các đợt chiến dịch.
Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, về vấn đề điều trị HIV, thực tế đã chứng minh hiệu quả điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) sớm là vô cùng to lớn. Không chỉ cứu sống người bệnh mà việc điều trị bằng ARV còn là biện pháp dự phòng lây nhiễm hiệu quả nhất trong cộng đồng, đặc biệt là qua đường tình dục và mẹ truyền sang con. Tuy nhiên, việc tiếp cận đối tượng nguy cơ cao, như: Mại dâm, quan hệ đồng giới… để can thiệp điều trị ARV ngày càng khó khăn.
Đặc biệt, từ năm 2019, việc xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV đang từ miễn phí chuyển sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế. Đến nay, Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, nhiều người nhiễm HIV/AIDS lo bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia bảo hiểm y tế...
Trước những khó khăn nêu trên khiến cho mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020 (cụ thể là 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị thuốc ARV và 90% số người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền…) đạt kết quả thấp. Hiện chỉ có 75,6% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh HIV trong cộng đồng, đồng thời hướng tới thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020 và khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Để thực hiện được mục tiêu 90-90-90, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, công tác xét nghiệm phát hiện ca nhiễm HIV là nhiệm vụ quan trọng. Trong năm 2019, ngành Y tế Thủ đô đã mở rộng cơ sở xét nghiệm HIV. Tính đến ngày 30-9, trên địa bàn thành phố đã có 11 cơ sở y tế được cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV.
Từ hình thức xét nghiệm tự nguyện truyền thống, Hà Nội đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác như xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm. Ngoài ra, triển khai thêm các biện pháp tiếp cận online (trực tuyến) đối với các đối tượng nguy cơ cao qua các trang mạng xã hội. Tính đến hết ngày 30-9, thành phố đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 334 nghìn trường hợp; cấp phát gần 2,4 triệu bơm kim tiêm; hơn 1,7 triệu bao cao su miễn phí cho đối tượng nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị ARV và triển khai 6 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone…
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, ngoài các biện pháp xét nghiệm sớm, dự phòng can thiệp, điều trị, thành phố và ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục có kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, giảm sự kỳ thị của cộng đồng về căn bệnh HIV.
Tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12). Mặt khác, tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính bền vững để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế; đồng thời triển khai các biện pháp chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm đến điều trị. Từ đó, góp phần khống chế thành công dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.