(HNM) - Mùa mưa bão đang đến gần. Để bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại từ nguy cơ gãy, đổ của hệ thống cây xanh, công tác kiểm tra, xử lý cắt tỉa hạ độ cao, chặt hạ cây nguy hiểm... đang được liên tục triển khai.
Thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, khó lường, biểu hiện cụ thể qua 3-4 trận mưa đá xảy ra đầu năm hay đợt rét bất thường cuối tháng 4, mang theo những nỗi lo khi mùa mưa bão đến gần. Đặc biệt đối với khu vực đô thị, hiện tượng đảo nhiệt khiến những trận lốc xoáy trở nên khó lường. “Năm nào cũng vậy, tôi rất ngại ra đường khi trời mưa bão do sợ cây xanh đổ, gãy...”, chị Nguyễn Thị Mai (chung cư Imperia Garden, quận Thanh Xuân) chia sẻ.
Nhằm giảm thiệt hại do cây đổ, cành gãy trong mùa mưa bão năm nay cũng như bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho nhân dân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết: Sở đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng) đôn đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội (phụ trách 12 quận) và các đơn vị duy tu, duy trì hệ thống cây xanh phụ trách địa bàn 18 huyện, thị xã kiểm tra, rà soát khối lượng cây bóng mát có nguy cơ gãy, đổ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện cắt tỉa, hạ độ cao cây bóng mát; thực hiện chằng chống, gia cố các cọc chống cho cây mới trồng, thay thế cọc bị hỏng, mục...
Theo Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Trần Anh Tuấn, cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa... Do đó, để bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cây gãy, đổ, Ban thường xuyên phối hợp với các đơn vị duy tu hệ thống cây xanh thực hiện tuần tra, kiểm tra, xử lý các cây chết, cây nguy hiểm, cây có dấu hiệu bị xâm hại; thực hiện cắt tỉa theo kế hoạch (2 năm/lần/tuyến).
Chia sẻ về công tác sửa cây xanh, phòng, chống mưa bão, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, thực hiện yêu cầu của UBND thành phố, Sở Xây dựng, ngay từ đầu năm, công ty đã tăng cường điều tra, khảo sát sớm, đưa vào kế hoạch cắt tỉa, chặt hạ cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy, đổ vào mùa mưa bão. Trong đó, ưu tiên thực hiện cắt sửa các cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm... Đến nay, công ty đã cắt sửa gần 10.000 cây và dự kiến đến tháng 6-2020 sẽ hoàn thành cắt sửa 20.000 cây nguy hiểm, có nguy cơ gãy, đổ.
Trên địa bàn các huyện, thị xã, theo thống kê của Sở Xây dựng, đến thời điểm này các đơn vị cũng hoàn thành cắt tỉa gần 6.000 cây nguy hiểm, nặng tán. Ngoài ra, với những tuyến đường nhánh trong các khu đô thị tại các quận, công tác duy tu, cắt sửa cây xanh bảo đảm an toàn mùa mưa bão thuộc phân cấp quản lý cũng được các địa phương chủ động triển khai.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bắc Từ Liêm Đỗ Anh Tuấn cho biết: Qua rà soát, có 16 cây chết, sâu mục thân và 2.514 cây xanh trên địa bàn quận thuộc phân cấp quản lý cần chặt hạ, cắt tỉa. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành chặt hạ, cắt tỉa 520 cây xanh và dự kiến cuối tháng 5 sẽ hoàn thành 100% khối lượng.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh, hiện trên địa bàn quận có 13.188 cây bóng mát cần được cắt tỉa, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão và mỹ quan đô thị. Công tác cắt sửa cũng đang được quận triển khai để hoàn thành sớm.
Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, bên cạnh việc đôn đốc các đơn vị triển khai cắt tỉa cây xanh trên các tuyến trọng điểm, Sở còn yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch ứng trực, sẵn sàng xử lý các sự cố đột xuất, giải tỏa cây gãy, đổ sau mưa bão, bảo đảm phân luồng giao thông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.