Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm mạnh thuế suất để “cứu” doanh nghiệp

Hương Ly| 29/05/2013 14:17

(HNMO) - Tiếp theo Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIII, sáng 29-5, QH đã thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).


Trong bối cảnh nền kinh tế đang ở giai đoạn đỉnh điểm khó khăn, lượng DN phá sản tăng mạnh, chỉ số hàng tồn kho lớn, nhiều đại biểu quốc hội (ĐB) đã đề xuất những giải pháp đột phá như: giảm mạnh thuế suất thuế TNDN xuống mức 20%, bỏ quy định khống chế chi phí quảng cáo tiếp thị, mở rộng ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp nhằm kịp thời giảm bớt khó khăn cho DN.

Cần những giải pháp đột phá

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, Luật thuế TNDN hiện hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 sau gần 4 năm thực hiện đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh (SXKD). Những ưu đãi được quy định tại Luật thuế TNDN hiện hành đã bảo đảm nguồn động viên, đáp ứng nhu cầu chi NSNN phục vụ quá trình phát triển và bảo vệ đất nước. Trên thực tế, từ khi luật có hiệu lực, số lượng DN đã đăng ký thuế và đang hoạt động (tính đến 31-12 hàng năm) qua mỗi năm đều tăng lên. Con số này đã tăng từ 286.401 DN (năm 2008) lên mức 461.134 DN (năm 2012). Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam không ngừng tăng sau khi Luật thuế TNDN hiện hành có hiệu lực. Tổng số vốn đầu tư thực hiện năm 2009 là 10 tỷ USD và không ngừng tăng thêm sau trong bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác trong khu vực.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai, Luật thuế TNDN hiện hành đã bộc lộ một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn mới. Các quy định liên quan đến ưu đãi thuế, thuế suất, chi phí quảng cáo... tại luật thuế hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập cần sớm được sửa đổi.

Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho biết, kể từ khi luật thuế TNDN hiện hành quy định giảm thuế suất thuế TNDN từ mức 28% xuống 25% đã cho thấy, nguồn thu ngân sách từ sắc thuế này liên tục tăng cao. Trong bối cảnh nền kinh tế đã đi đến đỉnh điểm khó khăn hiện nay với số lượng DN phá sản tăng mạnh, lượng hàng tồn kho lớn, đề xuất của Chính phủ về việc giảm thuế suất thuế TNDN từ mức 25% xuống 22% chỉ là giải pháp tuần tự, trong khi đó, các DN lại cần những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. ĐB cho rằng, việc giảm thuế đột phá sẽ giúp DN tháo gỡ khó khăn, giảm lượng hàng tồn kho, đồng thời phải bổ sung thêm những giải pháp giúp DN khoanh nợ, giãn nợ thì mới có hiệu quả nhằm giúp DN khôi phục SXKD.

Đồng quan điểm này, ĐB Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cho rằng, theo quy định, DN làm ăn có lãi thì nộp thuế TNDN. Tuy nhiên, nếu cứ áp thuế suất cao mà ít DN đóng góp thì số thu NSNN vẫn không cao. Theo lộ trình sửa đổi luật thuế TNDN, tới năm 2020, chúng ta dự kiến giảm thuế suất xuống 20% và sẽ áp dụng mức thấp hơn những năm sau đó. Vì vậy, nếu ta mạnh dạn đưa ngay thuế suất thuế TNDN xuống mức 20% trong kỳ sửa đổi này và giảm tiếp 18% từ những năm sau, không phân biệt quy mô DN thì mới bảo đảm trong cạnh tranh và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Không nên “bó tay” doanh nghiệp

Liên quan đến quy định về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng (QCTT) của DN, đa số ĐB đồng tình với việc nâng mức khống chế được trừ (từ 10% lên 15%). Song theo ĐB Mai Hữu Tín (đoàn Bình Dương) cho biết, bản thân tỷ lệ 15% sau khi đã được nâng lên cũng vẫn bị DN than phiền. Việc bỏ khống chế khoản chi phí này sẽ không những không làm giảm nguồn thu ngân sách mà còn giúp DN tăng doanh thu. Bởi khi đẩy mạnh QCTT, hoạt động SXKD của DN sẽ có nhiều thuận lợi. Khoản chi phí này nằm trong chi phí đầu vào của DN vì vậy không có lý do gì DN lại chi lãng phí, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của DN. “Đặt mức khống chế không phải là cách làm hay mà sẽ “trói tay” DN. Tôi đề nghị nên bỏ khống chế chi phí QCTT ngay trong lần sửa đổi này”, ĐB chia sẻ.

Tán thành việc bỏ khống chế chi phí QCTT, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đề nghị, ngoài việc quy định rõ lộ trình nhằm tiến tới bỏ khống chế, trước mắt nên quy định trừ chi phí này theo tỷ lệ % trên doanh thu cho DN để tránh sự phức tạp trong việc xác định chi phí và bảo đảm tính rõ ràng minh bạch của Luật. ĐB Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, DN hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau sẽ có nhu cầu về chi phí QCTT khác hẳn nhau. Đơn cử, DN kinh doanh bia, mỹ phẩm sẽ cần nguồn chi phí lớn hơn mới có thể cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Về quy định thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (KCN), trừ KCN nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH thuận lợi được miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị không bổ sung ưu đãi với KCN. Bởi từ khi Luật thuế TNDN có hiệu lực từ năm 2009, chính sách ưu đãi với KCN đã được triển khai. Tình trạng ưu đãi tràn lan, thiếu trọng tâm, trọng điểm đã xảy ra tại nhiều địa phương. Dưới một góc nhìn khác, ĐB Mai Hữu Tín lại đồng tình với đề xuất của Chính phủ về ưu đãi DN đầu tư vào KCN và đầu tư mở rộng. “Chúng ta cần ưu đãi hơn nữa bởi công tác thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn vì đang phải cạnh tranh gay gắt trong khu vực”, ĐB nêu ý kiến.

Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN sẽ được QH thông qua vào ngày 19-6 tới.

Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo (ĐB đoàn Bình Thuận)

Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã đề xuất hoạt động từ báo in và quảng cáo báo in được áp thuế suất thuế TNDN10% trong thời hạn 15 năm nhưng trong Tờ trình của Chính phủ lại không áp dụng ưu đãi thuế với báo hình, báo nói, báo điện tử với lý do giảm thuế sẽ giảm thu nhập ngân sách. Trên thực tế, thời gian vừa qua, hoạt động của nhiều cơ quan báo chí bị lỗ, phải lấy doanh thu từ quảng cáo (bị giới hạn về diện tích, khuôn khổ) để bù vào. Báo cáo của Bộ Truyền thông mới đây cũng cho thấy, do DN làm ăn sa sút nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí năm 2012 giảm 80% so với năm 2011. Trong 67 cơ quan phát thanh, truyền hình, chỉ có 4 trung tâm lớn có doanh thu tốt, hơn 60 đài địa phương còn lại đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tôi đề nghị xem xét giảm thuế suất thuế TNDN cho các cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử đồng thời đẩy thời gian áp dụng ngay 1-7-2013 như với các trường hợp DN ưu tiên khác.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm mạnh thuế suất để “cứu” doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.