Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm ảnh hưởng từ sự cố cáp quang biển

Việt Nga| 11/02/2023 07:36

(HNM) - Cả 4 tuyến cáp quang biển quốc tế chiếm dung lượng chủ yếu kết nối internet Việt Nam đi quốc tế bị sự cố ảnh hưởng đã và đang tác động tiêu cực đến người dùng trong nước. Các sự cố hy hữu này hiện chưa thể sửa chữa, khắc phục ngay, đặt ra vấn đề về an toàn mạng lưới cũng như kế hoạch phát triển cáp quang biển phục vụ chuyển đổi số…

Các nhà mạng trong nước tham gia đầu tư xây dựng trạm cập bờ tuyến cáp quang biển tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Trước đó, tuyến APG (Asia Pacific Gateway) gặp sự cố liên tiếp vào cuối tháng 12-2022 và tháng 1-2023, trên các nhánh S6 hướng kết nối đi Hồng Kông (Trung Quốc) và S9 hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản; cả hai sự cố này gây mất toàn bộ dung lượng trên tuyến cáp APG. Tuyến AAG (Asia America Gateway) gặp sự cố trong tháng 12-2022, ở hai hướng kết nối Singapore và Trung Quốc. Tuyến IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á) xảy ra sự cố trên nhánh S1 hướng kết nối đi Singapore vào ngày 28-1 vừa qua. Dự kiến cả 3 tuyến (APG, AAG, IA) sẽ được sửa chữa vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4-2023 tới.

Ngoài ra, tuyến AAE-1 (Asia Africa Euro 1) cũng đang gặp sự cố lỗi dò nguồn tại vị trí sát vùng biển thuộc Hồng Kông (Trung Quốc). Được biết 4 doanh nghiệp trong nước: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty cổ phần Viễn thông FPT (thuộc Tập đoàn FPT) và Tập đoàn CMC đều có đầu tư, khai thác từ 1 đến 4  tuyến cáp biển nêu trên.

Đại diện nhà mạng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố là các hoạt động khai thác của con người (như thả neo trái phép, ngư dân dùng lưới quét đánh cá) hoặc do thảm họa tự nhiên trên biển. Gần đây, các hoạt động này gia tăng mạnh ở các vùng biển vốn là nơi các tuyến cáp biển quốc tế của thế giới và khu vực tập trung rẽ nhánh vào, như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc. Ngoài ra, còn một thực tế là hiện nay số lượng tàu sửa cáp trong khu vực đang rất hạn chế, trong bối cảnh sự cố đang tăng; việc cấp phép cho tàu vào sửa cáp ở một số quốc gia cũng bị chậm hơn…, khiến việc sửa chữa càng chậm trễ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình, việc cùng lúc có tới 4 tuyến cáp biển gặp sự cố là tình huống các nhà mạng ít khi tính tới. Hiện cơ bản chỉ có phương án bù đắp sự thiếu hụt dung lượng từ cáp biển bằng cách qua các kênh cáp đất liền, nhưng “kênh” này cũng có một số hạn chế nên khó khắc phục triệt để ngay.

Theo kế hoạch đã công bố, trong năm nay, hai nhà mạng Viettel và VNPT sẽ khai thác thêm hai tuyến cáp quang biển: SJC2 (South East Asia - Japan 2 Cable System) kết nối 6 quốc gia do VNPT tham gia đầu tư và ADC (Asia Direct Cable) do Viettel tham gia đầu tư. Hai tuyến cáp được xây dựng trạm cập bờ tại Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Kinh doanh quốc tế (Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel) Bùi Thị Kiều Oanh chia sẻ, đơn vị luôn đầu tư dự phòng cho hạ tầng thông tin của Viettel một cách an toàn, đa kết nối để giảm thiểu rủi ro. Ngoài việc bổ sung dung lượng ứng cứu thông tin trên các tuyến cáp khác, về lâu dài, Viettel tiếp tục bổ sung đầu tư các tuyến cáp mới để thay thế tuyến cáp cũ, đa dạng hóa thêm hướng kết nối... Viettel cũng thường xuyên, chủ động đề xuất kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục cấp phép để triển khai nhanh, gọn, hiệu quả.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, bên cạnh việc cần có thêm các tuyến cáp biển, cũng cần đa dạng các kênh cáp trên đất liền, đặc biệt qua phía Tây, Tây Nam. Điều này không chỉ để đáp ứng nhu cầu của người dùng, mà còn đáp ứng mức độ an toàn về bảo đảm thông tin liên lạc của Việt Nam với thế giới.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 10-2, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Hồng Thắng cho biết, bắt đầu từ đêm 10-2, doanh nghiệp viễn thông thực hiện các giải pháp để cải thiện chất lượng dịch vụ internet đi quốc tế, giảm thiểu ảnh hưởng đến khách hàng. Về lâu dài, Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, đồng thời nghiên cứu đầu tư tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

Trong định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024-2025, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ chủ trương phát triển tuyến cáp quang biển do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, đồng thời thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng các tuyến cáp quang biển hiện có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm ảnh hưởng từ sự cố cáp quang biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.