(HNM) - Trong một nỗ lực quốc tế nhằm tìm ra giải pháp ngăn chặn hiểm họa khôn lường từ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, 51 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã ký kết Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân trong buổi lễ diễn ra bên lề khóa họp thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại TP New York (Mỹ).
Mục tiêu về một thế giới không hạt nhân khó lòng đạt được nếu không có sự tham gia của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân. |
Tại lễ ký kết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân toàn diện và đa phương đầu tiên được ký kết trong vòng 2 thập kỷ qua. Các nước cần tiếp tục một chặng đường dài để loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí hủy diệt này khi trên thế giới hiện vẫn còn khoảng 15.000 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72 Miroslav Lajcak ghi nhận nỗ lực của các quốc gia, khẳng định Hiệp ước sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những rủi ro và hiểm họa mà vũ khí hạt nhân mang lại, đồng thời coi đây là bước đi đúng đắn để đạt được mục tiêu về một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân ra đời trước lo ngại ngày càng tăng đối với hậu quả thảm khốc cả về nhân đạo và môi trường mà loại vũ khí này có thể gây ra. Nội dung Hiệp ước đã được Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 7 vừa qua, sau các vòng đàm phán do Áo, Brazil, Mexico, Nam Phi và New Zealand chủ trì. Hiệp ước này cấm một loạt các hoạt động liên quan tới vũ khí hạt nhân, như phát triển, thử nghiệm, sản xuất, thu nhận, sở hữu, dự trữ vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ dạng hạt nhân khác, cũng như việc đe dọa sử dụng hoặc sử dụng các loại vũ khí này. Hiệp ước sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi các quốc gia phê chuẩn.
Trong thông cáo báo chí vừa được đưa ra, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định, khối này không ủng hộ Hiệp ước mà hàng chục quốc gia Liên hợp quốc đã ký kết và vẫn sẽ duy trì một liên minh hạt nhân chừng nào loại vũ khí này còn tồn tại. Tuyên bố nhấn mạnh, Hiệp ước này có nguy cơ làm xói mòn một văn kiện quốc tế khác là Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 - vốn là trọng tâm của các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong suốt gần 50 năm qua. Vào thời điểm mà thế giới cần duy trì đoàn kết để đối phó với các mối đe dọa gia tăng, sáng kiến này đã không tính đến các thách thức an ninh khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc không có một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào tham gia sẽ khiến những cam kết này chỉ tồn tại trên giấy.
Cho đến nay, NPT vẫn luôn được coi là khuôn khổ pháp lý chính cho hoạt động hạt nhân của cộng đồng quốc tế, là cam kết ràng buộc duy nhất trong một hiệp định đa phương nhằm mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, NPT có kẽ hở pháp lý là không nêu ra vấn đề cấm toàn diện về phát triển, sở hữu và sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân hiện đã giảm gần 80% so với thời kỳ Chiến tranh lạnh, các chuyên gia khẳng định những đầu đạn còn tồn tại đã được hiện đại hóa và có sức công phá mạnh hơn hẳn trước đây. Trong đó, Mỹ và Nga sở hữu khoảng 93% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Triều Tiên là một bên của NPT nhưng đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2003.
Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân liên tục lập luận, kho vũ khí của họ là biện pháp phòng vệ cần thiết trước mối đe dọa ngày càng tăng từ cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, các quốc gia còn lại không thể nhẫn nại thêm, bởi lo ngại loại vũ khí hủy diệt này sẽ được sử dụng không đúng mục đích và tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang ngầm. Bên cạnh đó, các nhóm khủng bố chưa bao giờ từ bỏ ý định sở hữu vũ khí hạt nhân. Có thể thấy, một thỏa thuận hạt nhân đa phương vẫn chỉ là giấc mơ, không dễ dàng đạt được trong bối cảnh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.