(HNM) - Tình trạng bạo lực không ngừng leo thang tại Yemen khiến nhiều dân thường thiệt mạng đã trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. Dù lực lượng trung thành với Tổng thống Mansour Hadi đã giành lại quyền kiểm soát sân bay quốc tế Aden sau cuộc giao tranh ác liệt với lực lượng chống đối do phiến quân
Tình trạng bạo lực tại Yemen chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. |
Thực tế cho thấy Yemen đã rơi vào bất ổn khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite và lực lượng Al-Qaeda tìm cách "lấp khoảng trống" quyền lực tại nước này sau việc Tổng thống Ali Abdullah Saleh buộc phải từ chức năm 2012. Thời gian gần đây, các tay súng Houthi không chỉ giao tranh với những phần tử khủng bố Al-Qaeda tại Yemen mà còn tấn công bộ lạc dòng Sunni nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát. Tuy nhiên, Yemen chỉ thực sự rơi vào hỗn loạn sau khi lực lượng nổi dậy Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9-2014. Tình trạng không thể kiểm soát đã buộc chính quyền của Tổng thống Mansour Hadi phải chuyển về tỉnh Aden lánh nạn. Còn tại thủ đô Sanaa, từ đầu tháng 2 vừa qua, lực lượng Houthi đã tuyên bố thành lập "Hội đồng tổng thống" để thay thế Tổng thống Mansour Hadi, Thủ tướng Khalid Bahah và toàn bộ nội các.
Bất lực trước các cuộc tấn công của phiến quân Houthi, quyền Ngoại trưởng nước này Riad Yassin đã phải lên tiếng "cầu viện" đến sự can thiệp quân sự của các nước Arab. Lời thỉnh cầu được ông Riad Yassin đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Arab (AL), diễn ra vào cuối tuần này ở Ai Cập, đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia. Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng Thư ký AL Nabil Al-Arabi khẳng định: AL ủng hộ chiến dịch không kích mang tên "Siêu bão" do Saudi Arabia đứng đầu nhằm vào lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen. Văn phòng Tổng thống Ai Cập cũng vừa cho biết sẽ triển khai lực lượng hải quân, không quân hỗ trợ chiến dịch không kích vào các mục tiêu của phiến quân Houthi tại quốc gia vùng Vịnh này. Cùng với Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Morocco cho biết sẽ gia nhập liên minh quốc tế chống phiến quân Houthi tại Yemen bằng việc hỗ trợ dưới mọi hình thức như tình báo, hậu cần, quân sự...
Trái với sự hưởng ứng tích cực của nhiều quốc gia thành viên AL, Chính phủ Algeria tuyên bố không tham gia chiến dịch quân sự này; đồng thời kêu gọi các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại chính trị. Theo quan điểm của Algeria, bạo lực leo thang tại Yemen có thể làm gia tăng chia rẽ cũng như sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố. Cùng quan điểm này, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng, hành động quân sự không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Yemen, bởi giao tranh càng làm cho tình hình trở nên xấu đi và có nguy cơ gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho khu vực. Iraq cũng lên tiếng phản đối các cuộc không kích của AL khi cho rằng can thiệp quân sự không phải là giải pháp cho tình trạng bạo lực hiện nay ở Yemen.
Tuy Yemen chỉ đóng góp rất nhỏ vào sản lượng dầu thế giới, nhưng căng thẳng địa chính trị tại quốc gia này trong những ngày vừa qua đang đẩy giá dầu thế giới tăng lên bởi quốc gia này là một trung tâm giao dịch của khu vực. Nước này có đường biên giới chung với Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và nằm bên bờ tuyến đường biển vận chuyển dầu từ vịnh Ba Tư sang phương Tây. Vì thế, sự kiện Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh tiến hành không kích tại Yemen đã thật sự gây lo ngại. Bởi lẽ, chiến sự leo thang ở quốc gia này không chỉ đe dọa các nước sản xuất dầu ở Trung Đông, mà còn liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia khi giá dầu thế giới gia tăng. Thêm nữa, đây còn là điều kiện thuận lợi cho các nhánh khủng bố Al-Qaeda gia tăng hiện diện trong các bộ lạc người Hồi giáo Sunni.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.