(HNM) - Tại trụ sở tiếp công dân của Trung ương ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có hơn 1.600 lượt người dân được cung cấp dịch vụ pháp lý từ 243 luật sư.
Tiếp nhận đơn thư khiếu nại tại Ban Tiếp dân - UBND TP Hà Nội.Ảnh: Bảo Lâm |
Nhưng thực tế có những vụ việc “nóng”, “nhạy cảm”, luật sư không thể nắm bắt hết trong thời gian ngắn, nên tư vấn chưa hiệu quả. Cùng với tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan, nâng cao hiệu quả tư vấn qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trước của luật sư là cần thiết.
Nhiều công dân khiếu kiện quá khích
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chia sẻ, triển khai tư vấn tại trụ sở tiếp công dân Trung ương ở cả TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các luật sư rất nhiệt tình, trách nhiệm, dù đây là việc khó khăn hơn nhiều so với thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý với khách hàng. Trong 6 tháng đầu năm, tại trụ sở tiếp công dân Trung ương ở hai thành phố đã có 243 luật sư tham gia tư vấn pháp lý cho hơn 1.600 lượt người dân. Sau khi được tư vấn, đa số người dân đã nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của họ, từ đó thay đổi thái độ ứng xử với các cơ quan nhà nước, một số người tự nguyện về quê, không tiếp tục khiếu kiện nữa.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều vụ khiếu kiện đã nhiều năm, nhiều công văn từ Trung ương chuyển về địa phương nhưng chính quyền vẫn không giải quyết dứt điểm, dù “vụ việc đúng mười mươi” khiến công dân không tâm phục khẩu phục. Lại có vụ việc được giải quyết đúng nhưng công dân không đồng tình với kết quả, tìm đến trụ sở tiếp công dân Trung ương để đòi phân “thắng thua" lại, khi không được đáp ứng, lập tức có những hành vi quá khích.
Gần đây nhất, khoảng 7h ngày 24-5-2016, khi vừa đến cơ quan, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương đã bị nhóm công dân khiếu nại thuộc tỉnh Bạc Liêu bao vây, giằng cặp, cào cấu yêu cầu Ban Tiếp công dân Trung ương có văn bản gửi Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ra Hà Nội tiếp và đối thoại với công dân. Do bị xô đẩy nên ông Nguyễn Hồng Điệp đã ngã ngay tại sân trụ sở cơ quan. Không dừng lại ở đó, sáng 25-5, công dân tỉnh Bạc Liêu tiếp tục chặn xe cán bộ Ban Tiếp công dân Trung ương, đe dọa sẽ có hành vi tiếp theo đối với lãnh đạo và cán bộ làm việc tại trụ sở.
Cũng tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, vào ngày 12-5, ông Nguyễn Xuân Thái, trú tại Nam Định, đã đấm vào mặt cán bộ tiếp dân và xô bàn ghế, đạp đổ máy tính trong phòng làm việc; chửi bới xúc phạm uy tín danh dự của cán bộ tiếp dân cũng như uy tín danh dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nghiêm trọng hơn, ngày 28-1, bà Phạm Thị Thuận ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, Thanh Hóa đã bất ngờ rút dao giấu trong người chém bà Trần Thị Thu Hiền đang làm nhiệm vụ hướng dẫn thủ tục khiếu nại, tố cáo...
Cần sự phối hợp
Dù tính chất, mức độ gay gắt, manh động của công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương đáng báo động, nhưng sự phối hợp của UBND các tỉnh, thành phố - nơi có công dân khiếu kiện vượt cấp chưa tốt. “Cái khó trong việc tiếp công dân là một số cấp chính quyền chưa tuân thủ quy định của Luật Tiếp công dân, đôi khi làm chiếu lệ. Vì vậy, vụ việc cứ bị đùn đẩy từ nơi này đến nơi khác, dân mất niềm tin, tiếp tục khiếu nại vượt cấp” - Luật sư Nguyễn Văn Xứng (Đoàn luật sư TP Hải Phòng) phản ánh.
Trao đổi với phóng viên Hànộimới ngày 7-7, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết, có những địa phương không đến để vận động công dân về. Có nơi có thời điểm lại phối hợp chậm (Bạc Liêu) hoặc thay vì cử phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách những vấn đề dân kiến nghị lại cử công an hoặc đại diện chính quyền địa phương cấp huyện tới, khiến dân càng bức xúc.
Diễn biến quá trình tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, các luật sư cũng đã chỉ ra hạn chế, bất cập trong công tác tư vấn pháp lý cho người dân. Trong đó có việc kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp, luật sư không thể nắm được hết nội dung, chưa hiểu thấu đáo lại phải tư vấn ngay khiến người dân được tư vấn bức xúc với cả luật sư.
Vì vậy, bên cạnh yêu cầu tăng cường sự phối hợp của các cơ quan liên quan, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đề xuất, Thanh tra Chính phủ nên chuyển hồ sơ, tài liệu cho luật sư nghiên cứu trước, sau đó hẹn gặp công dân có đơn để luật sư trao đổi, tìm hướng giải quyết tốt nhất cho người dân. Ngoài việc tư vấn theo diện rộng, Thanh tra Chính phủ và Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên chọn một số vụ việc điển hình để tư vấn đến kết quả cuối cùng, giúp cơ quan nhà nước giải quyết dứt điểm việc khiếu nại của dân, qua đó rút kinh nghiệm để việc trợ giúp có hiệu quả và thiết thực hơn trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.