Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp gia tăng an toàn và giảm thiểu rủi ro

Quỳnh Dương| 24/07/2022 05:33

(HNMCT) - Để đảm bảo an toàn giao thông tại mỗi quốc gia, việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng tốt, hệ thống cảnh báo, tín hiệu đầy đủ và rõ ràng là những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, tai nạn giao thông xảy ra không chỉ liên quan tới những vấn đề kể trên. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông góp phần không nhỏ vào việc giảm số vụ tai nạn đáng tiếc.

Người dân Nhật Bản rất có ý thức khi tham gia giao thông.

Đối với nhiều quốc gia, công tác xây dựng và phát triển văn hóa giao thông được xem là nền móng vững chắc cho việc triển khai thành công hệ thống an toàn giao thông. Tại Nhật Bản, có quy tắc giao thông cho người đi ô tô, người đi bộ, người đi xe đạp, xe máy, đi tàu điện, thang cuốn. Người đi xe ô tô phải tuân theo sự chỉ dẫn của đèn giao thông, biển báo, ký hiệu chỉ dẫn trên đường. Nơi có biển báo nhất thời dừng lại thì phải dừng tạm thời và quan sát sự an toàn bên trái, bên phải. Ở vạch sang đường đang có người cố gắng băng qua thì phải dừng lại nhường cho người đi bộ đi trước. Đặc biệt, trong lúc lái xe không ai được dùng điện thoại. Người Nhật tuân thủ quy định sang đường rất nghiêm túc. Khi đèn đỏ trên đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp bật lên, tất cả đều dừng lại kể cả khi đó không có ô tô chạy. Chỉ khi đèn xanh bật lên mọi người mới sang đường. Người tham gia giao thông bằng xe đạp và xe máy thì không được chở thêm người. Người đi xe đạp, xe máy phải đi phía bên trái đường, không chạy song song với xe khác. Đi xe đạp vào buổi tối thì bắt buộc phải bật đèn hay gắn các thiết bị phản xạ. Khi sử dụng tàu điện, hành khách phải xếp hàng ngay ngắn. Ở Nhật Bản, ý thức chấp hành giao thông của người dân rất tốt nên ít khi thấy cảnh sát giao thông trên đường. Chỉ khi vào giờ cao điểm, cảnh sát giao thông mới xuất hiện.

Thụy Điển nằm trong số quốc gia có chỉ số an toàn giao thông cao nhất thế giới. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và đưa chương trình giáo dục an toàn giao thông vào trường học, năm 1997, nước này đã xây dựng chính sách “Vision Zero” (tạm dịch: "Tầm nhìn bằng không") với mong muốn đưa số nạn nhân do tai nạn giao thông hằng năm về 0. Chính sách đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hiện đại, an toàn cho người tham gia giao thông. Tại các con đường trong nội đô, tốc độ được giới hạn là dưới 30km/h. Một số ngã tư có lắp màn hình lớn để thông báo số lượng người đi bộ chuẩn bị qua đường, số người đang đi qua. Trên đường cao tốc, xe ô tô chỉ đi tối đa 110km/h, đường thường tối đa là 70km/h, ở khu vực ngoại thành là 50km/h. Thụy Điển có hơn 1.100 camera giám sát tốc độ trên toàn quốc. Bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt không nương tay. Những nỗ lực của chính phủ Thụy Điển đã giúp giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông và tác động không nhỏ tới nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.

Văn hóa giao thông của người Đức cũng gây ấn tượng đặc biệt. Tuy có mật độ xe ô tô cao, nhưng Đức có hệ thống đường tốt với trên 12.900km xa lộ; xe có chất lượng tốt, được đăng kiểm chặt chẽ nên số người tử vong do tai nạn giao thông giảm mạnh trong hơn 20 năm qua. Ý thức của người tham gia giao thông cũng được đánh giá cao. Khi đông xe mà có hai đường dồn về một hướng, phải chạy chậm, người Đức rất tự giác thực hiện nguyên tắc “fécmơtuya“, có nghĩa là lần lượt mỗi bên chỉ có một xe chạy vào, nối đuôi nhau, vì vậy không xảy ra tình trạng tranh giành, chèn nhau dẫn tới tắc nghẽn giao thông. Chính vì ở Đức có luật lệ giao thông rõ ràng và người tham gia giao thông tôn trọng luật lệ nên khi không may xảy ra tai nạn, những người tham gia giao thông ứng xử lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, gọi cảnh sát tới lập biên bản. Bên nào có lỗi thì bảo hiểm bên đó phải bồi thường.

Theo các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU), một nền văn hóa giao thông yếu kém sẽ dẫn đến số vụ tai nạn gia tăng. Mới đây, EU đã tài trợ dự án có tên gọi TRASACU nhằm nghiên cứu phương pháp tiếp cận văn hóa đối với người tham gia giao thông để cải thiện tình trạng an toàn đường bộ. Các nhà nghiên cứu sẽ thu thập dữ liệu và chia sẻ kinh nghiệm về văn hóa an toàn giao thông trên khắp châu Âu và Mỹ để đưa ra mô hình toàn diện về văn hóa an toàn giao thông dựa trên thực tế và các dữ liệu mới. Sau đó, các quốc gia EU sẽ triển khai chiến dịch tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về văn hóa an toàn giao thông.

Nhìn chung, việc phát triển và nhân rộng các mô hình văn hóa an toàn giao thông sẽ giúp thay đổi hành vi, hình thành chuẩn mực và giảm thiểu rủi ro cho những người tham gia giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp gia tăng an toàn và giảm thiểu rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.