(HNM) - UBND TP Hà Nội đã quyết định thu hồi những dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt nhưng không khởi công nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần giải quyết các vấn đề dân sinh đang đặt ra.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để giải quyết nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội cho người dân là vấn đề không đơn giản trong bối cảnh kinh tế hiện nay và không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai. Theo ước tính của Bộ Xây dựng, khoảng một triệu hộ dân trong cả nước đang có nhu cầu về nhà ở nhưng không có đủ tiền để mua nhà ở thương mại theo phương thức thuận mua vừa bán. Trong đó, có nhiều gia đình có công với cách mạng, nhiều gia đình là viên chức, công nhân lao động ở các khu công nghiệp có thu nhập thấp... Với tốc độ di dân hiện nay, nhà ở xã hội đang là vấn đề bức xúc ở các thành phố lớn - các trung tâm kinh tế. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương chịu nhiều sức ép hơn cả. Đã có 5.996 căn hộ thuộc 9 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được thực hiện thành công trong năm 2013-2014 với số diện tích sàn xây dựng lên đến 473.932m2. Cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 19 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội với khoảng 4.990 căn hộ thương mại thành 11.824 căn hộ nhà ở xã hội.
Mặc dù Hà Nội đã có nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội; đồng thời cho phép chuyển đổi nhiều dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhưng nhiều dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện. Lý do phổ biến các nhà đầu tư đưa ra là thiếu vốn nhưng có lẽ thiếu vốn chưa phải là khó khăn chủ yếu. Nguyên nhân chính là nếu đẩy nhanh tiến độ triển khai vào thời điểm này, nhà đầu tư sẽ thu về không bao nhiêu. Nguyên nhân thứ hai cũng rất quan trọng, một số nhà đầu tư không có khả năng nhưng vẫn đăng ký chuyển đổi để chờ cơ hội khi thấy thị trường bất động sản ấm dần lên.
Để các dự án nhà ở xã hội trong năm 2015 và các năm sau đó được triển khai thuận lợi việc rà soát lại các dự án chậm tiến độ, kiên quyết thu hồi và giao cho các đơn vị khác thực hiện là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó là giải quyết những vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là tình trạng tồn kho, đọng vốn, thiếu vốn… Nhiều ý kiến cho rằng các thủ tục ngân hàng và thuế chưa thực sự hỗ trợ trong việc thực hiện nhiệm vụ thành phố giao. Một vấn đề quan trọng khác là cần bảo đảm quy định trong việc chuyển quyền thực hiện dự án; không để xảy ra tình trạng lợi dụng các khe hở pháp luật về đất đai để vụ lợi hoặc thay đổi vật liệu, cắt xén các hạng mục khi xây dựng. Đặc biệt cần chú ý việc thu hồi dự án trong trường hợp có vi phạm xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.