(HNM) - Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ đầu năm tới nay dư nợ tín dụng nông thôn, nông nghiệp đã tăng trên 8,3% so với cuối năm 2014 và chiếm 19% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Trong giai đoạn này, ngành Nông nghiệp đang được ngành Ngân hàng tập trung vốn đầu tư cho việc thực hiện tái cơ cấu. Nhiều chính sách tín dụng đã có hiệu lực, nhất là nguồn vốn giải quyết việc làm (GQVL).
Các hộ dân xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Thanh Phương |
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2015 có một số điểm mới về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và cho vay ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) và người lao động từ Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, mức vay vốn đi xuất khẩu lao động đối với hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay vốn ưu đãi, bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo. Nâng mức vay vốn tối đa từ 500 triệu đồng/dự án lên 1 tỷ đồng/ dự án và không quá 50 triệu đồng/người lao động được tạo việc làm (trước đây không quá 20 triệu đồng/việc làm mới)...
Ông Nguyễn Xuân Quý, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đồng Mai, quận Hà Đông cho biết: Đồng vốn cho vay GQVL được tăng lên như vậy là cơ hội để nhiều nông hộ đầu tư mở rộng sản xuất bởi thực tế, mức cho vay cũ ít, nhỏ giọt, chỉ giúp nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, việc tạo ra các mô hình nông nghiệp có giá trị rất khó. Với mức vay tăng, thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ 1 - 2 con bò, nông hộ có thể mạnh dạn đầu tư tới cả chục con. Hiệu quả, giá trị tăng gấp nhiều lần chăn nuôi nhỏ lẻ lại khắc phục được ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...
Thực tế, tại Hà Nội hiện nay, số hộ nghèo và cận nghèo đang giảm dần và nhu cầu vốn cho GQVL ở khu vực nông thôn có xu hướng tăng mạnh, nhiều vùng sản xuất chuyên canh sau dồn điền đổi thửa đã và đang cần vốn ưu đãi để phát triển. Ông Hoàng Liên Sơn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP Hà Nội nhận định: Mức vay 15 đến 50 triệu đồng/hộ rất khó có thể giúp nông dân bứt phá, nhất là đối với các làng nghề, vùng chuyên canh của Hà Nội đã được quy hoạch. Từ đầu năm tới nay, tổng nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại các địa phương tăng 116,5 tỷ đồng so với năm 2014.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã bố trí 80 tỷ đồng từ nguồn vượt thu năm 2014 sang Ngân hàng CSXH TP để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn, đưa tổng nguồn vốn từ ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng CSXH đạt gần 1.300 tỷ đồng (chưa kể các quận, huyện, thị xã tiếp tục bổ sung hỗ trợ các phòng giao dịch từ đầu năm tới nay trên 13 tỷ đồng). Các địa phương đều triển khai các chương trình cho vay bài bản, đúng quy trình, đúng đối tượng... nên nguồn vốn chính sách luôn bảo đảm sự công minh, đúng người đúng địa chỉ, góp phần giải quyết "cơn khát" vốn, nhất là đồng vốn ưu đãi cho khu vực tam nông từ nhiều năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.