Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giai cấp công nhân Việt Nam đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH

Linh Nhi| 30/04/2013 06:36

(HNM) - Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra mục tiêu


Để hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, với tổng số gần 10 triệu người, đội ngũ công nhân lao động cả nước đã và đang sẵn sàng vượt khó, phấn đấu trong lao động, học tập, rèn luyện, làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, nỗ lực vươn lên, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước…

Ảnh: Nguyệt Ánh



Trí thức hóa giai cấp công nhân

Nghị quyết 20/NQ-TƯ Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng (khóa X) năm 2008 về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước" nêu rõ: "Sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống". Nghị quyết cũng khẳng định: "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược".

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Đề án "Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của công đoàn giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020 có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước". Đã có 41 trường, trung tâm dạy nghề được thành lập trên địa bàn cả nước và trong năm 2012 đã đào tạo nghề cho hơn 50 nghìn lượt người. Riêng tại Thủ đô Hà Nội, từ năm 2007 đến nay, đã có hơn 13 nghìn công nhân lao động (CNLĐ) học bổ túc văn hóa, hơn 36 nghìn CNLĐ học đại học, hơn 358 lượt CNLĐ học ngoại ngữ, tin học, 10.131 lượt cơ sở tổ chức cho 149.844 CNLĐ được đào tạo, đào tạo lại và nâng cao tay nghề…

Những con số trên là tín hiệu đáng mừng, song so sánh với số lượng gần 10 triệu CNLĐ thì số người được trí thức hóa như vậy còn quá thấp. Nguyên nhân được xác định là do công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức ý thức tự giác, tích cực học tập, nâng cao học vấn, tay nghề cho CNLĐ trực tiếp còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn nhiều "rào cản" như chủ DN chỉ quan tâm lợi nhuận kinh tế, chưa quan tâm tạo điều kiện cho CNLĐ đi học. Một bộ phận không nhỏ CNLĐ có tư tưởng an phận…

Đồng lòng vượt khó

Thực tế cho thấy, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới đã có những tác động không nhỏ tới nền kinh tế nước ta. Riêng năm 2012 có khoảng 55.000 DN phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Con số này của 3 tháng đầu năm 2013 là hơn 15.000 DN. Điều đó kéo theo hệ lụy là hàng nghìn CNLĐ bị mất việc làm hoặc thiếu việc làm; thu nhập, tiền lương, tiền thưởng bị giảm sút, trung bình chỉ đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng. Làm ăn khó khăn, thiếu vốn sản xuất cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng DN vi phạm chế độ chính sách đối với CNLĐ còn diễn ra phổ biến. Theo thống kê mới nhất, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của các DN hiện nay đã lên tới con số trên 7.000 tỷ đồng…

Trong bối cảnh nêu trên, không ít CNLĐ bị chi phối bởi chuyện cơm, áo, gạo tiền nhiều hơn là quan tâm tới việc đi học để nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề, tác phong công nghiệp. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình, nguyện vọng của đa số CNLĐ là Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp để giải quyết các vấn đề nóng hiện nay đối với CNLĐ như việc làm, nhà ở, thu nhập… Mặt khác, cũng cần có sự đầu tư thỏa đáng về y tế, giáo dục đào tạo, cải thiện đời sống tinh thần… để CNLĐ có thể yên tâm, gắn bó với nghề.

Có một tín hiệu đáng mừng là, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, song với sự cổ vũ, động viên, khích lệ của các cấp CĐ, đại bộ phận CNLĐ vẫn ngày đêm ra sức thi đua lao động sản xuất, vượt khó vươn lên, khẳng định vai trò tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 100.000 lượt CNLĐ có đề tài nghiên cứu, sáng kiến, sáng tạo được ứng dụng vào sản xuất, làm lợi và tiết kiệm khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Riêng Thủ đô Hà Nội, năm qua, từ các phong trào thi đua lao động giỏi, thi đua giành danh hiệu công nhân giỏi… đã xuất hiện hơn 37.000 gương CNLĐ với hàng nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, làm lợi gần 100 tỷ đồng.

Đồng hành, thiết thực hỗ trợ CNLĐ

Có được kết quả nêu trên không thể không nhắc tới vai trò của các cấp CĐ. Cùng với việc động viên, khích lệ CNLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, các cấp CĐ đã triển khai hàng loạt các giải pháp như kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN; với những DN bỏ trốn, cho phép chính quyền địa phương ứng ngân sách trả nợ lương cho công nhân; ký quy chế phối hợp với ngành bảo hiểm, y tế, xây dựng thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền lợi cho CNLĐ. Đặc biệt, vì quyền lợi của người lao động, năm qua CĐ nhiều địa phương, tiêu biểu như TP Hồ Chí Minh đã vận động gần 60.000 chủ nhà trọ cam kết không tăng giá cho thuê nhà và phối hợp với ngành điện, nước giúp hơn 1 triệu CNLĐ được mua đúng giá. Các chương trình "Chung tay vì công nhân" được CĐ tổ chức rộng khắp các tỉnh, thành, nhằm kêu gọi trợ giúp CNLĐ. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Trần Văn Thực cho biết, nhiệm kỳ 2009-2013, CĐ Thủ đô đã xây dựng 318 dự án, cho vay hơn 31 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia để hỗ trợ giải quyết việc làm cho CNLĐ và hơn 21 tỷ đồng từ Quỹ trợ vốn công nhân viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 6.352 lao động với mức thu nhập tăng thêm từ 700.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/người/tháng…

Để xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hướng tới mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trước hết đòi hỏi mỗi CNLĐ cần phải ý thức rõ tính giai cấp, vai trò "đầu tàu" trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, từ đó nỗ lực vươn tới mục tiêu làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cao. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và tổ chức CĐ cần có sự quan tâm thiết thực về nơi ăn chốn ở, cải thiện điều kiện làm việc và đời sống, nâng cao thu nhập, học vấn, tay nghề… để CNLĐ có thể an tâm về tư tưởng, đồng thời xây dựng nền móng vững chắc tạo nên sức bật mới cho giai cấp công nhân Việt Nam để xứng tầm với sứ mệnh và trách nhiệm vẻ vang trong tiến trình phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giai cấp công nhân Việt Nam đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.