(HNM) - Việc thực hiện giãn cách xã hội và siết chặt công tác quản lý để phòng, chống dịch Covid-19 khiến hàng trăm dự án là các công trình giao thông, phúc lợi xã hội, xây dựng nông thôn mới… trên địa bàn thành phố Hà Nội phải tạm dừng thi công. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn khiến hàng nghìn lao động không có việc làm. Do vậy, việc khởi động lại các công trình, dự án tại các huyện, thị xã thuộc "vùng xanh" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, vừa thúc đẩy tiến độ thi công, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là "bài toán" không đơn giản.
Vấn đề hiện tại với các công trình xây dựng, công trình giao thông… không chỉ là những vướng mắc trong thủ tục hành chính liên quan đến thi công, việc huy động nguồn nhân lực, hay nguyên vật liệu từ các địa phương khác vận chuyển về thành phố, mà còn là các giải pháp quản lý, thi công bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Bởi lẽ, nếu để dịch bệnh phát sinh thì mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, bù đắp cho quãng thời gian phải dừng thi công trước đó sẽ không thể thực hiện, chưa kể đến các hệ lụy khác.
Rõ ràng, an toàn phòng, chống dịch bệnh phải được xem là vấn đề cốt lõi. Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 3152/UBND-SXD (ngày 20-9-2021) về thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20-9-2021 của Chủ tịch UBND thành phố trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố, trong đó nêu rõ: Chủ đầu tư và nhà thầu có trách nhiệm xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn, khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND thành phố, gửi UBND cấp huyện để kiểm tra, giám sát; thực hiện đúng phương án phòng, chống dịch khi thi công xây dựng công trình.
Như vậy, cùng với việc chú trọng thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, tiến độ thi công, các nhà thầu cần triển khai thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường như: Bảo đảm người lao động được xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định; tổ chức khai báo y tế, đo thân nhiệt; vệ sinh, khử khuẩn cho người lao động và những người đến liên hệ công tác... Đặc biệt, cơ quan chức năng của các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chủ đầu tư, nhà thầu thi công, bảo đảm thực hiện đúng quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh khi thi công, xây dựng công trình...
Mặt khác, để thúc đẩy tiến độ các công trình, cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương cần tăng cường hỗ trợ, kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thi công, phối hợp tháo gỡ những khó khăn phát sinh; đồng thời triển khai các giải pháp để nguyên vật liệu được vận chuyển đến công trình đúng tiến độ cũng như bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn công trình, an toàn lao động…
Cùng với đó là triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi công, xây dựng... phù hợp với tình hình mới; kịp thời chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Với các đơn vị không thực hiện đúng quy định của pháp luật, lập tức yêu cầu dừng hoạt động.
Dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã từng bước được kiểm soát nhưng không thể chủ quan, lơ là. Để giải “bài toán” kép - vừa đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng các công trình, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh - chủ đầu tư, nhà thầu và người lao động phải tuyệt đối tuân thủ yêu cầu, khuyến cáo của thành phố cũng như các quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.