Nông nghiệp

Gia Lâm phát triển trồng trọt theo mô hình VietGAP

Ánh Dương 19/07/2023 - 07:31

Nhờ tích cực triển khai các mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ, VietGAP, nông dân huyện Gia Lâm đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn, chất lượng. Năm 2023, toàn huyện phấn đấu đạt 515,73ha sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó diện tích rau 170,5ha, diện tích quả 345,23ha.

vuet-gao.jpg
Thu hoạch dưa lê vàng sọc trắng Hàn Quốc tại xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm).

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, toàn huyện đã và đang triển khai hiệu quả đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025”. Hiện tại, huyện đang thực hiện 13/16 mô hình, tập trung vào các nhóm: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chứng nhận VietGAP; bao quả trên cây bưởi, chuối tại các xã Đa Tốn, Dương Xá, Dương Hà, Cổ Bi; sản xuất VietGAP tại các xã Văn Đức, Yên Viên, Đông Dư, Kim Sơn, Đa Tốn...

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng thu hẹp do đô thị hóa nên việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, lấy hữu cơ làm trung tâm là giải pháp tối ưu nhất, giúp phát triển nông nghiệp bền vững. Huyện đã chọn triển khai thí điểm mô hình trồng dưa lưới hữu cơ Fujisawa Hà Lan tại địa bàn xã Đặng Xá, quy mô 5 sào. Đây là giống mới được nhập về Việt Nam vài năm gần đây, có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm, cho năng suất khá cao. Quá trình thực hiện, nông dân Đặng Xá áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, bảo đảm đất, nước không nhiễm hóa chất, chỉ sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, bổ sung trấu, rơm rạ, mùn gỗ để cải tạo đất, mỗi cây chỉ để phát triển từ 2 đến 4 quả… Sau hơn 2 tháng, dưa cho thu hoạch, đạt trọng lượng trung bình 1,75kg/quả, 1.092kg/sào, thịt quả dày, giòn, ngọt thanh, mùi thơm nhẹ. Trừ các chi phí, 5 sào dưa cho thu lãi 304 triệu đồng, cao gấp 6-8 lần các sản phẩm canh tác truyền thống.

Anh Lại Văn Song ở thôn Đặng (xã Đặng Xá) chia sẻ, gia đình anh là một trong số những hộ trồng dưa lưới, dưa lê nhập ngoại các loại theo hướng hữu cơ, trên diện tích 7.000m2. Mô hình trồng dưa của gia đình anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động thường xuyên, với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng và hơn 10 lao động thời vụ.

Với mô hình trồng dưa lê vàng sọc trắng Hàn Quốc theo hướng hữu cơ, nông dân xã Yên Thường đã thu hoạch được 618kg quả/sào, tổng thu nhập cao gấp 2 lần so với giống dưa khác trồng phổ biến trên địa bàn.

Xã Kim Sơn là nơi có diện tích trồng chuối lớn nhất huyện Gia Lâm, với 145ha. Vùng trồng chuối của xã đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu, được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), huyện Gia Lâm đầu tư các tổ nhóm PGS (bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo quy trình hữu cơ), nhằm kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm cho sản phẩm chuối. Năm 2022, huyện Gia Lâm xây dựng mô hình “Thí điểm sử dụng biện pháp bao quả phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chuối tại xã Kim Sơn”, giúp nông dân quản lý dịch hại hiệu quả, bảo đảm năng suất và chất lượng nông sản.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Sơn Bùi Văn Quyên cho hay, việc sử dụng bao quả giúp cho quả chuối xanh, giữ được phấn, bóng và dày, đẹp mã, hạn chế sâu bệnh hại, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật và mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận hơn 13 triệu đồng/sào/vụ.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga cho biết, thời gian tới, toàn huyện phấn đấu duy trì và phát triển 1.693,5ha diện tích rau, quả an toàn tại các vùng sản xuất chuyên canh; tập trung xây dựng từ 16 đến 18 mô hình thí điểm và mô hình trình diễn nhân rộng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; hình thành 1-2 vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với tham quan trải nghiệm. Đồng thời, huyện duy trì và mở rộng cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các vùng sản xuất rau, quả an toàn, phấn đấu hết năm 2023, nâng tổng diện tích sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP lên 515,73ha, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm phát triển trồng trọt theo mô hình VietGAP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.