Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Cần thêm cơ chế hỗ trợ

Ngọc Quỳnh| 31/05/2023 06:16

(HNM) - Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả, vừa phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp hiện đại, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Để mở rộng diện tích và nâng cao giá trị nông sản hữu cơ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người sản xuất.

Mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang

Hiệu quả kinh tế cao

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh) Nguyễn Thế Lâm, từ năm 2015, hợp tác xã chuyển hướng sang trồng cây ăn quả bằng phương pháp hữu cơ. Nhờ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón hữu cơ, các loại quả của hợp tác xã được nâng cao chất lượng, dễ dàng tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại, cho thu nhập 600-700 triệu đồng/ha/năm.

Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) Nguyễn Thị Thu Thoan cho biết, với quy mô 1,2ha, mỗi năm hợp tác xã chăn nuôi khoảng 15.000 con gà theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là ngô, cám gạo, lạc, đỗ tương, sâm đương quy… Trước khi tiêu thụ, sản phẩm gà vi sinh đều được kiểm định chất lượng, nên giá bán luôn ổn định.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, hiện toàn thành phố có 2.000ha cây trồng và hơn 10ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ... Để khuyến khích nông dân áp dụng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có các chương trình hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, vốn vay thông qua Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội…

“Sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ có giá trị cao hơn từ 10% đến 20% so với sản xuất theo quy trình thông thường. Hơn nữa, nông sản hữu cơ được người tiêu dùng tin tưởng và đã phân phối vào các kênh bán hàng hiện đại, như: Siêu thị, cửa hàng tiện ích và một số sản phẩm được xuất khẩu”, bà Vũ Thị Hương cho hay.

Kiểm tra chất lượng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ánh Ngọc

Hỗ trợ để nhân rộng

Hiệu quả kinh tế mang lại đã rõ, nhưng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện mới dừng lại ở các mô hình với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Cùng với đó, giá thành sản phẩm hữu cơ cao hơn so với sản phẩm khác, nên thị trường của loại nông sản này thường giới hạn ở nhóm khách hàng có thu nhập cao.

Để nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu để thành phố tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, như: Quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ vốn để mở rộng diện tích; xây dựng thương hiệu; ưu đãi cho thuê đất...

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là quá trình dài, đòi hỏi nhiều công đoạn khắt khe, từ môi trường đất, nước, không khí đến quy trình chăm sóc của người dân. Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng, mở rộng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ, làm tiền đề để sau 3-5 năm sẽ phát triển được các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, chất lượng cao. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn, giúp nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, chế biến, giám sát và được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực hiện Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15-8-2022 của UBND thành phố Hà Nội về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích đất canh tác; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Theo đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mà thị trường có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Cùng với đó, tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng công nghệ để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu.

Trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khó lường, gây ra nhiều bất lợi cho canh tác nông nghiệp hữu cơ, vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết do không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, các cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ về vốn cho các hợp tác xã để đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: Sử dụng hệ thống nhà lưới, nhà kính, hệ thống phun nước tự động (nhỏ giọt hoặc phun sương), hệ thống cảm biến tự động... Các địa phương cũng cần quy hoạch vùng trồng nông nghiệp hữu cơ, sau đó đánh giá kết quả và nhân rộng, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ. Việc này góp phần quan trọng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ mục tiêu số lượng sang chất lượng, tạo giá trị theo chuỗi liên kết, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Cần thêm cơ chế hỗ trợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.