Nông nghiệp - Nông thôn

Gia Lâm nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở vùng bãi

Trung Nguyên 21/06/2023 - 12:00

(HNM) - Với lợi thế nằm ven sông Hồng và sông Đuống, nhiều xã trên địa bàn huyện Gia Lâm đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, khai thác hiệu quả đất nông nghiệp vùng bãi, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

mo-hinh-trong-hoa-hong-o-xa.jpg
Mô hình trồng hoa hồng ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho thu nhập cao.

Tại xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), nơi có hơn 300ha đất bãi sông Hồng màu mỡ, đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân có thu nhập cao, ổn định. Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh chia sẻ, trên địa bàn xã đã hình thành vùng trồng rau an toàn với tổng diện tích 210ha, trong đó có gần 30ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; vùng trồng cây ăn quả quất, ổi, hồng xiêm khoảng 40ha; gần 50ha trồng hoa, cây cảnh và hơn 4ha quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, chủ yếu là bò, lợn thương phẩm. Với diện tích trồng rau an toàn, cây ăn quả, khi trừ chi phí cho thu lãi 400-550 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích trồng hoa, cây cảnh, mặc dù mới được canh tác từ cuối năm 2018, nhưng đã cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/ha/năm.

Ông Đặng Văn Phúc ở thôn Trung Quan 1 (xã Văn Đức) cho biết, gia đình ông trồng hoa hồng trên diện tích 8 sào, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động. Ngoài ra, gia đình ông còn thu gom hoa, cây cảnh của các hộ dân trong xã để cung cấp cho thị trường thành phố Hà Nội và một số tỉnh khác như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh… Doanh thu từ trồng và kinh doanh hoa của gia đình ông Phúc đạt hàng tỷ đồng/năm.

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh nhận định, do thu nhập của trồng cây ăn quả không ổn định, nên nhiều hộ đang chuyển dần sang trồng hoa, cây cảnh theo vùng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để có thu nhập cao hơn.

Tương tự, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) có gần 200ha đất bãi sông Đuống, trước kia người dân chủ yếu trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò sữa, bò thương phẩm. Tuy nhiên, do chăn nuôi bò giảm nhiều, nên từ năm 2015 đến nay, các hộ chuyển dần sang trồng cây ăn quả như cam, chuối và hoa giấy, cây cảnh. Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh thông tin, diện tích trồng cây ăn quả hơn 100ha, cho thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích trồng hoa giấy hơn 30ha hiện cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Theo Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, những xã có đất bãi ven sông Hồng, sông Đuống, có tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh là Kim Sơn, Phù Đổng, Trung Mầu, Văn Đức... Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp sinh thái hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Gia Lâm theo hướng hàng hóa bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, vùng trồng hoa chậu ở xã Kim Lan cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất rau VietGAP ở các xã Văn Đức, Đặng Xá gắn truy xuất nguồn gốc đạt khoảng 500-600 triệu đồng/ha/năm; trồng hoa lan hồ điệp tại xã Phú Thị đạt 1,2-1,5 tỷ đồng/ha/năm; trồng rau cải xanh ở xã Yên Viên sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1-1,2 tỷ đồng/ha/năm…

Hiệu quả sử dụng vùng đất bãi ở Gia Lâm là rõ rệt, song do nằm trong vùng thoát lũ, nên các xã Văn Đức, Kim Lan, Đặng Xá, Trung Mầu, Phù Đổng, Dương Hà khó xây dựng các công trình phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn, huyện đã đề nghị với các sở, ngành, UBND thành phố đề xuất với các bộ, ngành xem xét, có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng sản xuất nông nghiệp nằm ở ngoài bãi sông, trong không gian thoát lũ để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công trình phục vụ chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư. Đồng thời, các sở, ngành cần ban hành hướng dẫn định mức kinh tế, kỹ thuật hỗ trợ những cơ chế, chính sách và sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đối với một số mô hình ứng dụng công nghệ cao như giống, nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động, hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi, huyện cũng đề nghị thành phố hỗ trợ 50% giá trị máy móc như đối với chính sách hỗ trợ trong chương trình khuyến công, để người nông dân có điều kiện áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với tỷ lệ cao hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở vùng bãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.