(HNM) - Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng giúp hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người, góp phần tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021), phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương về vai trò, thành tựu của công tác gia đình trong xây dựng, bồi đắp văn hóa ở Thủ đô.
Tôn vinh giá trị gia đình
- Trước hết, xin ông cho biết tầm quan trọng của công tác gia đình trong đời sống xã hội nói chung; bồi đắp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng?
- Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất của mỗi con người. Là tế bào của xã hội, gia đình tiếp nhận hệ giá trị văn hóa dân tộc được lưu giữ trong đời sống tâm hồn, tình cảm để bồi đắp, trao truyền cho mỗi cá thể. Với chức năng đó, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và suốt đời, tác động đến con người một cách trực tiếp và toàn diện, góp phần tạo nên những thành viên có ích, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Xác định rõ vai trò của gia đình trong xã hội, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nêu cao trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong việc phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Đặc biệt, Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 (ra đời cách đây 20 năm theo Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4-4-2001 của Thủ tướng Chính phủ) đã trở thành một trong những sự kiện tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dân tộc; khẳng định vai trò, vị trí của gia đình cũng như trách nhiệm của mỗi thành viên trong giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách con người.
Tại Hà Nội, công tác gia đình được đặc biệt quan tâm thông qua nhiều kế hoạch, chương trình hành động, vừa nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra cho công tác gia đình, vừa là quyết tâm chính trị cao của thành phố trong việc đưa văn hóa và con người thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Nổi bật trong đó là các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy, được duy trì, tiếp nối qua nhiều nhiệm kỳ, với nội dung: Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
- Với vai trò, ý nghĩa như vậy, theo ông, công tác gia đình những năm qua đã được triển khai ở Hà Nội như thế nào?
- Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt trong triển khai công tác gia đình, những năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung hấp dẫn, hình thức phong phú, như: Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền cổ động trực quan sinh động bằng pa nô, áp phích, tờ rơi; tổ chức hội nghị tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, liên hoan, hội thi, trưng bày, triển lãm… Cùng với đó, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về bình đẳng giới, ứng xử văn hóa trong gia đình; các lớp bồi dưỡng nữ công, xây dựng gia đình hạnh phúc; các giải thể thao gia đình, liên hoan gia đình văn hóa…
Công tác gia đình cũng được các đơn vị cơ sở chủ động triển khai lồng ghép trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng gia đình, làng, tổ dân phố văn hóa gắn với các tiêu chí không có bạo lực gia đình, không có tảo hôn, ngược đãi người già, trẻ em, phụ nữ...
Đi đôi với đó là công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, góp phần nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân. Toàn thành phố hiện có hơn 200 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 1.960 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 707 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững... Năm 2020, có 126 vụ bạo lực gia đình được xử lý, trong đó có 52 vụ bạo lực tinh thần, 70 vụ bạo lực thân thể và 4 vụ bạo lực kinh tế. Cuối năm 2020, toàn thành phố có 87,5% gia đình, 61% làng và 71,5% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.
Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động
- Bên cạnh kết quả tích cực; trong công tác gia đình còn những tồn tại, hạn chế gì và việc tháo gỡ những vấn đề đó được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, các giá trị gia đình đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ mặt trái của kinh tế thị trường, như: Tệ nạn xã hội, văn hóa ngoại lai... Do đó, phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết, như: Tỷ lệ ly hôn gia tăng; vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; sự thiếu tôn trọng giá trị gia đình ở một số người; làm thế nào để sử dụng hiệu quả mạng xã hội… Trước tình hình đó, tháng 12-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” nhằm bồi đắp các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, củng cố ý thức pháp luật, nâng cao ý thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành phố được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn triển khai thí điểm. Kể từ đó đến nay, đã có nhiều chương trình hành động để đưa nội dung này lan tỏa trong đời sống. Theo đó, Hà Nội đã chọn hai địa phương mang những nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô là xã Phú Cường (huyện Ba Vì) và phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) để triển khai thí điểm. Mỗi địa phương lại chọn ra 300 hộ gia đình đăng ký, tham gia thực hiện... Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt chuyên đề sôi nổi và hiệu quả, để các gia đình chia sẻ kỹ năng ứng xử, bí quyết gìn giữ hạnh phúc…
Sau một thời gian triển khai, bộ tiêu chí đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng về công tác gia đình. Ở các địa phương thực hiện thí điểm, việc lồng ghép nội dung của bộ tiêu chí với các hoạt động mô hình, câu lạc bộ được tổ chức đều đặn; nhiều gia đình trở thành điển hình về ứng xử văn hóa, được cộng đồng đánh giá cao... Từ kết quả này, năm 2020, Hà Nội có thêm 5 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện bộ tiêu chí.
- Vậy, thời gian tới, việc đẩy mạnh triển khai công tác gia đình sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
- Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang xây dựng kế hoạch nhân rộng "bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" ở một số địa phương, làm cơ sở báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố. Theo đó, bộ tiêu chí là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch triển khai chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” năm 2021.
Cụ thể, trong năm 2021, sẽ có thêm 5 xã, phường, thị trấn được chọn lựa để triển khai thực hiện bộ tiêu chí, với các nhiệm vụ cụ thể: Tổ chức lễ phát động, đăng ký thực hiện bộ tiêu chí; tổ chức các chương trình tọa đàm, giao lưu với chuyên gia cũng như nhiều hình thức động viên, khen thưởng khác… Qua đó nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động đối với công tác gia đình.
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để lan tỏa nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác gia đình ở cơ sở; tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế về công tác gia đình, làm điểm tựa thúc đẩy thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.