Bộ Công Thương đang chủ trì xem xét phương án giá bán điện bình quân cho năm 2015. Thông tin từ bộ này cho biết, dù giá điện có được điều chỉnh năm nay thì mức giá sẽ vẫn thấp hơn giá thị trường.
Bộ Công Thương vừa nhận được văn bản góp ý của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phương án điều chỉnh giá điện. Nội dung của các góp ý này không được tiết lộ nhưng theo thông tin từ các cuộc họp liên ngành xem xét việc điều chỉnh giá điện trước đó, các bộ đều bày tỏ quan điểm giá điện phải tiến tới điều chỉnh theo giá thị trường. Đã có 3 mức đề xuất tăng giá điện được đưa ra từ cuối năm 2014 và các bộ liên quan đang ủng hộ mạnh cho phương án tăng thêm 9,5% so với mức giá hiện tại. Cho tới thời điểm này, việc tăng giá điện chỉ còn là vấn đề thời điểm, bởi lần tăng giá điện mới nhất đã từ tháng 8.2013.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, giá điện đang thấp hơn nhiều so với giá thị trường (tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất và kinh doanh có lợi nhuận). Giá bán điện bình quân hiện nay khoảng 1.537 đồng/kWh (tương đương khoảng 7.2 cent Mỹ/kWh), bằng khoảng 75 - 80% giá thị trường. Với mức giá này, tuy ngành điện đã bắt đầu có lãi, nhưng tỷ suất lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 2-3%. Điều này khiến các chỉ tiêu về tài chính của doanh nghiệp ngành điện hiện không đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay vốn.
Điện tăng giá chỉ còn là vấn đề thời điểm |
Ông Phạm Lê Thanh- Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm nay, EVN đặt mục tiêu sản xuất, kinh doanh điện có lãi và trả nợ gốc, lãi vay khoảng 30.873 tỷ đồng. Giá bán điện thị trường giai đoạn 2015 - 2020 sẽ trên 9 cent Mỹ/kWh và từ nay tới 2020, bình quân mỗi năm ngành điện cần đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Vì vậy, có thể nói, giá điện đúng theo cơ chế thị trường có vai trò then chốt trong việc huy động tài chính cho đầu tư phát triển điện.
Làm việc với EVN mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ vẫn cao (dự kiến tăng 12% trong giai đoạn 2015-2020). Với mức tăng trưởng đó, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải vào khoảng 7.5 tỷ USD/năm. Theo tính toán, 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án IPP (nhà máy điện độc lập). Tuy nhiên, việc giá điện đã không tăng từ hơn năm qua và biểu giá điện hiện đang dưới giá thành khiến mục tiêu nói trên “không thể đạt được, nếu không có biểu giá mới phù hợp”. Do vậy, từ nay đến nửa cuối năm 2016, cần thiết phải tăng giá bán điện lên mức cao nhất có thể trong khung 10% theo quy định tại Quyết định 2165 của Chính phủ cho mỗi chu kỳ 6 tháng.
Theo ông Trần Viết Ngãi, cho đến nay, quan điểm của Chính phủ vẫn là cân nhắc điều chỉnh mạnh giá điện. Trong khi thu nhập bình quân còn thấp, nếu tỷ trọng tiền điện trong chi tiêu cho sinh hoạt quá lớn, thì người dân sẽ không chịu nổi, nhất là đối với các hộ có thu nhập thấp. Ngay trong chi phí của các ngành sản xuất và dịch vụ, nếu chi phí mua điện cao sẽ làm cho giá thành tăng, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp. Do vậy, trong năm 2015 giá bán điện sẽ vẫn còn thấp hơn giá thị trường.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các chuyên gia sử dụng bảng cân đối liên ngành (I/O) ước tính tác động mức tăng 9.5% (dự kiến) của giá điện sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên khoảng 0.55%, ảnh hưởng làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình là 0.58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0.45%.
Trong trường hợp đề xuất xin tăng giá điện (dự kiến lên 9.5%) lần này được chấp thuận thì giá mới sẽ thấp hơn khoảng 11.06% so với trần khung giá điện bình quân là 1.835 đồng/kWh giai đoạn 2013-2015 (quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Có nghĩa EVN vẫn còn dư địa để giá điện tăng thêm khoảng 10% vào năm 2015 hoặc năm 2016.
Ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết đã có những kịch bản kiến nghị lên Thủ tướng để đánh giá các tác động với nền kinh tế, lạm phát nếu tăng giá một số mặt hàng chiến lược. Tuy nhiên, khi nào có việc tăng giá điện thì chúng ta mới nên đưa ra các tính toán tác động cụ thể. Bởi đưa ra đánh giá bây giờ sẽ tác động tới tâm lý người dân, khiến cho lạm phát kỳ vọng của người dân tăng lên, rất nguy hại cho lạm phát. “Tôi cho rằng, khi quyết định tăng giá điện, Chính phủ sẽ tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, đời sống người dân và vẫn đảm bảo giá điện sát với giá thị trường”- ông Thắng nói.
Một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, căn cứ góp ý của các bộ, cơ quan này đã có văn bản đề nghị EVN tính toán cập nhật phương án giá điện trên cơ sở các thông số đầu vào cùng các chi phí vẫn “treo”, chưa được tính vào giá bán lẻ điện. Thời gian yêu cầu cập nhật là từ ngày điều chỉnh giá điện gần nhất (1.8.2013) đến hết ngày 31.12.2014. Sau khi nhận được báo cáo và các tài liệu có liên quan của EVN, Bộ Công Thương sẽ chủ trì xem xét phương án giá bán điện bình quân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.