Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng giá điện và mong mỏi của người dân

Nhóm phóng viên| 13/05/2023 07:06

(HNM) - Sau 4 năm bình ổn, đầu tháng 5-2023, giá điện bán lẻ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng thêm 3%. Nhiều người không khỏi lo lắng khi giá điện tăng đúng vào thời điểm mùa nắng nóng bắt đầu và trong lúc việc làm, thu nhập của nhiều hộ gia đình vẫn trong cảnh bấp bênh. Mặt khác, biểu giá điện sinh hoạt được cho là đang tồn tại những bất cập, cần sớm được điều chỉnh. Vì vậy, họ mong mỏi việc thực hiện tăng giá sẽ không gây xáo trộn quá lớn đến sinh hoạt; các cơ quan chức năng tăng cường xử lý việc lợi dụng tăng giá điện để tùy tiện tăng giá bán các mặt hàng khác...

Bà Lê Thị Quỳnh Loan, ngõ 268/2 Ngọc Thụy (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên):
Khoản tiền điện tăng thêm sẽ không hề nhỏ

Gia đình tôi kinh doanh cửa hàng tạp hóa và có nhà cho thuê làm dịch vụ homestay. Mỗi tháng, tiền điện phải nộp lên đến hơn 10 triệu đồng. Nay giá điện tăng, dù chưa đến kỳ thanh toán, chắc chắn khoản tiền điện tăng thêm cũng không hề nhỏ.

Điểm khiến tôi băn khoăn là ở chỗ, hiện nay giá điện bình quân bán cho các hộ gia đình lại cao hơn giá điện bán cho doanh nghiệp sản xuất. Trong khi đó, tất cả các hộ gia đình đều có nhu cầu sử dụng điện và thực tế cuộc sống được cải thiện, thiết bị sử dụng điện trong gia đình tăng dẫn đến mức tiêu thụ điện cũng tăng theo lũy tiến.

Điện là mặt hàng thiết yếu, gắn với nhu cầu sử dụng hằng ngày của người dân. Vậy việc xây dựng mức giá bán lẻ khiến người dân phải “bù” giá cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất liệu có hợp lý không? Nếu EVN lý giải việc tăng giá điện sinh hoạt là để người dân có ý thức tiết kiệm hơn trong sử dụng điện, thì mức giá điện dành cho khối sản xuất, kinh doanh thấp hơn giá điện tiêu dùng liệu có kích thích doanh nghiệp sản xuất đầu tư, cải tiến thiết bị hiện đại và sử dụng điện khoa học để tiết kiệm điện năng?

Bà Trần Thị Ước, thôn Tư Sản (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên):
Xử lý nghiêm tình trạng “té nước theo mưa”

Gia đình tôi có tổng cộng 6 nhân khẩu, chủ yếu sống dựa vào nguồn thu nhập của vợ chồng tôi. Hằng tháng, trung bình gia đình chi trả tiền điện tương đương khoảng 10% thu nhập. Tuy nhiên, vào dịp hè mức tiêu thụ điện tăng gấp 2-3 lần, đặc biệt là vào những tháng học sinh được nghỉ hè và khi thời tiết nắng nóng cao điểm.

Với mức tăng giá điện vừa điều chỉnh hiện nay, chưa biết cụ thể giá điện sinh hoạt của gia đình sẽ “đội” thêm bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, chỉ cần chi phí sinh hoạt tăng thêm một chút cũng ảnh hưởng đến chi tiêu trong gia đình. Điều khiến tôi lo lắng là thông thường sau mỗi lần giá điện được điều chỉnh tăng, các mặt hàng thiết yếu cũng đồng loạt tăng giá. Trong khi theo lộ trình, ngày 1-7-2023 mức lương cơ sở cũng chính thức được điều chỉnh tăng từ 1.490.000 đồng lên mức 1.800.000 đồng. Điều lo ngại nhất là liệu có xảy ra chuyện chưa tăng lương đã tăng giá hay không?

Vì vậy, cùng với việc tăng giá điện, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý, bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường, xử lý nghiêm tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá cả hàng hóa ồ ạt, vô lối theo giá điện.

Ông Lê Huy Tiến, phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Hoàn Kiếm):
Nếu không đủ bù lỗ, liệu giá điện có tiếp tục tăng?

Về tâm lý, cả người dân và doanh nghiệp đương nhiên đều không muốn tăng thêm bất kỳ chi phí nào, do đó việc tăng giá điện là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, EVN cũng là doanh nghiệp, hàng hóa của họ cũng chịu tác động chi phối bởi giá cả thị trường. Khi một doanh nghiệp rơi vào thua lỗ, việc tăng giá bán sản phẩm là điều dễ hiểu. Mức tăng giá điện 3% có phù hợp hay không? Tăng ít hay tăng nhiều… cần phải được xem xét trên mặt bằng chung giá cả các sản phẩm hàng hóa khác.

Ví dụ trong 3 năm qua, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép và inox tăng khoảng 50-55%, giá lương thực, thực phẩm cũng tăng, giá than pha trộn năm 2022 tăng bình quân từ 34,7-46,4%... thì việc giá điện tăng 3% là có thể chấp nhận được. Điều mà người tiêu dùng mong muốn chính là EVN mang đến thông tin đầy đủ, chi tiết về những chi phí cấu thành giá điện. Từ đó, người tiêu dùng thực sự thoải mái với việc điều chỉnh giá của EVN.

Mặt khác, cũng theo lãnh đạo EVN, với mức tăng vừa điều chỉnh, dự báo doanh thu những tháng cuối năm của EVN sẽ tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong khi trước đó, EVN dự toán tổng lỗ sản xuất, kinh doanh của đơn vị này trong các năm 2022-2023 lên tới trên 93.000 tỷ đồng. Thế nên tôi cũng có lo ngại như nhiều người là phải chăng việc tăng giá điện lần này chỉ là bước “thăm dò” của EVN, và trong tương lai gần, nếu chi phí mua điện trong năm 2023 không giảm xuống thì giá điện lại tiếp tục tăng? Đây là câu hỏi mà cả EVN và cơ quan quản lý cần giải đáp để trấn an dư luận.

Bà Nguyễn Hương Lan, phố Dương Quảng Hàm (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy):
Cần có chính sách trợ giá cho người thu nhập thấp

Theo tính toán của EVN, mức tăng giá điện 3% khiến người tiêu dùng không đội nhiều chi phí. Nhưng thực tế giá điện tính theo lũy tiến và vào mùa cao điểm nắng nóng, mức tiêu thụ điện năng của các hộ dân đều tăng gấp 3-4 lần nên phải đợi đến kỳ thanh toán mới biết chính xác chi phí tăng thêm là bao nhiêu? Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện sẽ khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió và có ý thức tiết kiệm điện năng. Nhưng theo tôi, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm chỉ phù hợp với khí hậu một số vùng. Như khu vực phía Bắc, thời tiết thất thường và có số giờ nắng ít hơn nhiều so với khu vực miền Trung, miền Nam, trong khi chi phí lắp đặt thiết bị khá cao.

Mặt khác, cách tính giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 6 bậc hiện nay đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Việc chia giá điện làm 6 bậc chỉ làm cho khâu tính toán giá điện thêm rối rắm và không mang tính hỗ trợ người có thu nhập thấp. Hai bậc thang giá điện từ 0-50kWh và từ 51-100kWh được hưởng giá thấp, nhưng thực chất hầu hết người dân đều tiêu thụ điện cao hơn mức này.

Đã đến lúc EVN cần xây dựng lại bậc giá điện cho phù hợp nhu cầu và mức tiêu thụ điện năng thực sự của người dân; có chính sách trợ giá phù hợp cho người thu nhập thấp bên cạnh việc khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng giá điện và mong mỏi của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.