Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng giá điện 3% - tác động không lớn

Bảo Hân| 04/05/2023 17:50

(HNMO) - Sau 4 năm được Chính phủ, bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nỗ lực kìm giữ, từ hôm nay (4-5), giá điện chính thức được điều chỉnh tăng 3% so với giá bán lẻ bình quân hiện hành. Đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện năm 2023 là cần thiết.

Áp lực từ chi phí đầu vào

Là một mặt hàng đặc thù và quan trọng đối với nền kinh tế cũng như sinh hoạt của nhân dân, thông tin về việc điều chỉnh giá điện luôn được quan tâm. Giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019. Thực tế cho thấy thông số đầu vào tính toán giá bán lẻ điện bình quân hiện đã có nhiều biến động so với thông số cách đây 4 năm.

Cụ thể, trước các biến động trên thế giới và các yếu tố cung - cầu trên thị trường, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao. Năm 2022, giá than pha trộn tăng bình quân từ 34,7% đến 46,4%; than nhập khẩu tăng 163%, đặc biệt có thời điểm tăng 411% so với bình quân năm 2021, dẫn đến chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than cũng tăng cao. Giá khí thị trường bình quân năm 2022 tăng 27,4%.

Trong khi đó, theo cơ cấu chi phí mua điện năm 2022, chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4%, dẫn đến chi phí mua điện cao hơn so với thông số tính toán giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. 

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn. 

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, bộ, ngành, để đảm bảo việc điều hành giá điện có lộ trình, xem xét việc tác động giá điện đến GDP, CPI, sản xuất và đời sống nhân dân trong nước ở mức thấp nhất, EVN đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4-5-2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng khẳng định, tăng giá điện chỉ là một giải pháp nằm trong nhóm các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và đời sống. Trong bối cảnh biến động giá nhiên liệu trên thế giới có tần suất và biên độ ngày càng lớn theo chiều hướng gia tăng, EVN cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét các giải pháp khác để tối ưu hóa chi phí, giảm chi phí đầu vào và thực hiện chương trình tiết kiệm điện, nghiên cứu việc đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Tăng giá có lộ trình

Nhận định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, nhìn nhận Bộ Công Thương và EVN đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện không “giật cục”, có lộ trình, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. 

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá.

“Mức tăng 3% là thấp, vẫn tiếp tục khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện gặp nhiều khó khăn trong điều kiện chi phí mua điện đầu vào từ các nhà máy nhiệt điện than vừa qua đã tăng 25%, từ nhà máy tua bin khí tăng 11,3%”, ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích thêm.

Cũng theo chuyên gia này, việc điều chỉnh không tránh sẽ có tác động nhất định. Tuy nhiên, với mức tăng giá bán lẻ bình quân 3%, tác động sẽ không lớn, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng vòng 1 trực tiếp là 0,099% và vòng 2 tăng 0,18%. Nếu tính tác động tới giá thành các nhà sản xuất dùng điện nhiều như với sản xuất thép, giá thành tăng 0,18%; giá thành sản xuất xi măng tăng 0,45%; giá thành sản xuất giấy tăng 0,4%. Đối với người tiêu dùng, 25 triệu hộ tiêu dùng điện hiện nay với mức bình quân dùng 200 kW/tháng sẽ chịu mức tăng 12.000 đồng/ tháng. 

Để hạn chế việc “té nước theo mưa”, một số doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá hàng hóa, gây tác hại đến kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Nhà nước cần có chính sách tổng thể bình ổn mặt bằng giá. Trước hết, Nhà nước cần yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giá, ổn định giá, kê khai chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh khi giá điện tăng 3% để tránh tình trạng giá điện tăng bao nhiêu thì giá thành sản phẩm cũng tăng lên bấy nhiêu.

Trước nhiều ý kiến cho rằng hiện nay đang cao điểm mùa khô, nhu cầu điện tăng cao, Bộ Công Thương nên áp dụng biểu giá bán lẻ điện một giá thay vì bậc thang, ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm, trong điều kiện nguồn cung về điện ở nước ta còn hạn chế thì như kinh nghiệm các nước trên thế giới, không có giải pháp nào khác ngoài áp dụng biểu giá bậc thang để thực hiện tiết kiệm điện và phù hợp với nhu cầu tiêu dùng từng đối tượng trong xã hội. Ngoài ra, khi chúng ta đang cam kết giảm phát thải ròng bằng 0, yêu cầu tiết kiệm điện cũng là một giải pháp quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc, lâu dài.  

Tại buổi trao đổi thông tin diễn ra chiều cùng ngày về việc điều chỉnh giá bán điện, EVN cho biết, hiện nay, trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng trả 5,3 triệu đồng, sau thay đổi giá, sẽ trả thêm 141.000 đồng/tháng. Với 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân trả 10,6 triệu đồng/tháng, sẽ trả thêm 307.000 đồng/tháng. Với 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân trả 2,01 triệu đồng/tháng, sẽ trả thêm 40.000 đồng/tháng.

Lãnh đạo EVN trao đổi thông tin với báo giới trong chiều 4-5.

Với các hộ tiêu thụ, theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng; hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng; hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất); hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng và hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN chia sẻ, việc điều chỉnh tăng 3% giá bán sẽ giúp tăng doanh thu trong 8 tháng còn lại ước đạt 8.000 tỷ đồng, giúp Tập đoàn giảm bớt khó khăn về tài chính. Ngoài giải pháp này, Tập đoàn đang nỗ lực tiết kiệm chi phí thường xuyên. Năm 2022, EVN đã tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20 - 30% chi phí sửa chữa lớn…, nhờ đó, đã tiết giảm hơn 9.700 tỷ đồng. Cùng với các giải pháp khác, tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ huy động tối đa nguồn điện có giá thành rẻ; làm việc với nhà cung ứng nhiên liệu như khí, than để có sự chia sẻ giảm giá bán điện; đàm phán nhà đầu tư có nguồn năng lượng tái tạo để hài hòa lợi ích giữa Tập đoàn và chủ đầu tư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng giá điện 3% - tác động không lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.