(HNM) - Sau khi giảm mạnh từ mức 105 USD/thùng (cuối tháng 7-2014) xuống 68,53 USD/thùng vào tháng 11-2014, giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục giảm xuống mức hơn 54 USD/thùng.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc giá dầu liên tiếp giảm mạnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách mà còn tác động đa chiều tới nền kinh tế. Nếu giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng, GDP sẽ giảm 0,8-1,2%. Tuy nhiên, việc giá dầu giảm sâu cũng tạo ra những tác động tích cực tới nền kinh tế.
Giá dầu liên tiếp giảm mạnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách mà còn tác động đa chiều tới nền kinh tế. Ảnh: Thanh Hải |
Cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 với tổng thu cân đối NSNN là 911.100 tỷ đồng, chi NSNN là 1.147.100 tỷ đồng. Trong đó, dự toán giá dầu thô năm 2015 là 100 USD/thùng, số thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách. Trong bối cảnh giá dầu thô liên tục giảm sâu, việc bảo đảm cân đối NSNN và giữ vững an ninh tài chính quốc gia là một trong những thách thức lớn. Bởi, theo tính toán của Bộ Tài chính, giá mỗi thùng dầu giảm 1 USD sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng. Trường hợp giá dầu thô bình quân năm 2015 giảm còn 40 USD/thùng như dự báo của giới chuyên gia, Việt Nam sẽ hụt thu tới 60.000 tỷ đồng từ việc xuất khẩu dầu thô. Các chuyên gia cũng khuyến cáo về việc NSNN bị tác động từ việc giảm nguồn thu thuế liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu xăng dầu, như thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên…
Trước tình trạng giá dầu thô liên tiếp giảm mạnh, tại phiên họp lần thứ nhất nhằm triển khai "Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô" vừa diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có tính đến những "kịch bản" ứng phó khi giá dầu giảm liên tiếp. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, chi phí khai thác dầu thô ở nước ta đang dao động ở mức 30-70 USD/thùng, trong đó có 3 lô mới khai thác giá chỉ ở mức 50 USD/thùng. Với mức giá dầu thô dự kiến giảm dưới 60 USD/thùng, các bộ, ngành liên quan cần phân tích xem điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới sản lượng khai thác và dự toán thu - chi NSNN. Nếu giá dầu giảm thấp, liệu chúng ta có nên đóng cửa mỏ hay phải ứng phó thế nào trước những tác động tới kinh tế vĩ mô là cần được chuẩn bị kịp thời.
Theo "kịch bản" được các bộ đưa ra, nếu giá dầu xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng thì GDP sẽ giảm 0,8-1,2%. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu giảm 10%, chi phí sản xuất cũng sẽ giảm 0,57%. Xăng dầu giảm giá sẽ khiến CPI giảm 0,55% và qua đó giúp kinh tế tăng trưởng 0,91%, lý do là giá dầu giảm tác động tích cực tới các ngành kinh tế nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm. Như vậy, bên cạnh khả năng ngân sách bị hụt thu do giá dầu thô xuất khẩu giảm mạnh, việc giảm giá dầu cũng sẽ khiến mặt bằng giá hàng hóa hiện tại điều chỉnh xuống một mức thấp hơn, qua đó giúp DN giảm giá thành sản phẩm và kích thích người dân mua sắm nhiều hơn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chính là mặt tích cực được tạo ra từ việc giá dầu liên tiếp giảm mạnh thời gian gần đây.
Nhận xét về những tác động của việc giá dầu liên tiếp giảm mạnh tới khả năng thực hiện các chỉ tiêu KT-XH năm 2015, GS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là một thử thách đối với nước ta, song chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua. Vì, khi giá dầu giảm mạnh, nguồn thu NSNN sẽ giảm, song nếu bù lại khi GDP tăng trưởng cao (nhờ việc chi phí đầu vào của DN giảm) sẽ góp phần giúp chúng ta hoàn thành các chỉ tiêu theo đúng kế hoạch.
GS Trần Hoàng Ngân cũng phân tích thêm, nguồn thu từ dầu thô chiếm khoảng 10% trong tổng thu ngân sách. Giá dầu giảm sẽ chỉ ảnh hưởng khoản thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô. Còn trong cơ cấu thu NSNN, ngoài khoản thu từ dầu thô, số thu thuế nội địa chiếm tới 70% tổng thu NSNN, thuế XNK khoảng 20%. Khi dầu thô giảm giá sẽ giúp chúng ta giảm các chi phí liên quan đến vận chuyển, sản xuất kinh doanh, qua đó giúp DN giảm giá thành, tăng lợi nhuận, từ đó số thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp vào NSNN cũng tăng lên, góp phần bù đắp cho hụt thu từ dầu thô. Một số chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc rà soát, kiểm tra những khoản phân bổ ngân sách liên quan đến giá xăng dầu, Chính phủ cũng có thể phát hành thêm trái phiếu để bù đắp khoản hụt thu này. Bởi, với mức tín nhiệm của Việt Nam như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng thực hiện việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, Bộ Tài chính sẽ không điều chỉnh thu, chi ngân sách và cũng không tăng vay để tránh tăng nợ công của ngân sách. Quan điểm của Bộ Tài chính là không vì giá dầu thô giảm mà kiến nghị các ngành tăng sản lượng để bù đắp. Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, với những mỏ dầu chi phí cao thì không nên khai thác mạnh mà tạm thời giữ tài nguyên khi được giá mới bán.
Trong năm 2015, ngành tài chính sẽ tăng cường thanh - kiểm tra chống chuyển giá, nợ đọng thuế; chống buôn lậu, gian lận thương mại để khai thác, quản lý chặt chẽ nguồn thu và chống thất thu NSNN. Bộ sẽ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai những biện pháp nhằm hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu thu NSNN mà Quốc hội giao. Giải pháp căn cơ sẽ được Bộ Tài chính thực hiện là tiếp tục thực hiện kỷ luật tài khóa, triệt để tiết kiệm, chủ động điều hành linh hoạt NSNN nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.