(HNM) - Khi ra đời từ năm 2009, bitcoin là loại tiền ảo được một thanh niên Nhật Bản có tên Satoshi Nakomoto tạo ra - chỉ được coi như một trò chơi tương tự như những gì thường thấy trên internet.
Cho đến khi tỷ giá 1 đồng bitcoin lên tới 1.200 USD người ta mới thực sự sửng sốt về giá trị thực của đồng tiền ảo. Tuy nhiên, cùng với "cơn sốt" bitcoin là những lo ngại ngày càng gia tăng về những rủi ro mà đồng tiền này mang lại vì không đủ tính pháp lý cũng như nhiều kẽ hở có thể gây thiệt hại cho người tham gia giao dịch.
Charlie Shrem - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bitcoin Foundation kiêm Tổng Giám đốc Công ty giao dịch tiền Bitcoin Bitinstant - vừa bị bắt giữ. |
Mới đây, Văn phòng Công tố Liên bang Nga vừa ban hành quy định, nghiêm cấm sử dụng bitcoin cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác. Giới chức Nga cho biết, luật pháp nước này đã quy định rõ ràng về loại tiền tệ chính thức của Liên bang Nga là đồng ruble. Do đó, việc sử dụng bất kỳ loại tiền nào khác sẽ bị coi là phi pháp. Theo Văn phòng Công tố Liên bang Nga, cơ quan này cũng đang làm việc với Ngân hàng Trung ương Nga và các cơ quan thực thi luật pháp khác nhằm thắt chặt các quy định và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến đồng bitcoin. Lý do mà Chính phủ Nga chống lại bitcoin và các loại tiền ảo là do loại tiền này đang được sử dụng ngày càng nhiều bởi các tổ chức tội phạm. Giao dịch bitcoin chủ yếu là đầu cơ và tiền tệ này luôn có rủi ro mất giá lớn. Trước Nga, nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Na Uy, Trung Quốc cũng đã ra tuyên bố không công nhận phương thức giao dịch bằng bitcoin.
Vậy là, những nguy cơ được cảnh báo về bitcoin đang bắt đầu hiện hữu khi chỉ trong vòng hai tháng, từ mức đỉnh 1.200 USD/1 bitcoin, đồng tiền ảo này đã sụt giảm mất hơn 30% xuống mức 595,74 USD/bitcoin. Tốc độ trượt giá chóng mặt là do hai sàn giao dịch bitcoin hàng đầu thế giới là Bitstamp và Mt.Gox liên tiếp bị các hacker tấn công và buộc phải ngừng cho khách hàng rút tiền để xem xét lại quy trình.
Mt.Gox cho biết, một lỗi trong phần mềm bitcoin có thể khiến chi tiết giao dịch bị thay đổi. Tức là, một người nào đó trên mạng có thể thay đổi và che giấu việc chuyển tiền giữa các "ví bitcoin" (thuật ngữ chỉ nơi lưu trữ bitcoin của người dùng) và khiến cho việc giao dịch có vẻ như chưa từng xảy ra. Kẻ gian có thể lợi dụng kẽ hở này để chuyển một số tiền nhiều lần liên tiếp. Vì vậy, việc đình chỉ rút tiền sẽ có hiệu lực cho đến khi vấn đề được giải quyết.
Bên cạnh đó, việc bắt giữ hàng loạt ông trùm tiền ảo trong thời gian gần đây cũng góp phần đẩy giá trị bitcoin xuống dốc. Mới nhất là ngày 6-2, cơ quan chức năng của Mỹ đã bắt giữ thêm hai nhân vật tình nghi sử dụng tiền ảo để rửa tiền và tham gia vào hoạt động giao dịch tiền tệ không được cấp phép. Lãnh đạo của thành phố Miami cho hay, tiền bitcoin là một phương thức kỹ thuật mới để hỗ trợ cho hoạt động tội phạm. Cảnh sát đã phát hiện các cá nhân tham gia vào các hoạt động sử dụng đồng tiền ảo với khối lượng lớn. Các vụ bắt giữ này có thể khởi động cho một chiến dịch khởi tố cấp bang liên quan tới việc sử dụng bitcoin cho hoạt động rửa tiền. Trước đó, ngày 27-1 cơ quan an ninh cũng bắt giữ hai chủ sở hữu của các sàn tiền ảo bitcoin Bitinstant và Bitcoin Foundation vì tội rửa tiền, sau khi bán tới hơn 1 triệu USD tiền ảo cho người dùng là thành viên của chợ ma túy trực tuyến Silk Road.
Sebastien Galy, chuyên gia tiền tệ tại New York cho biết tình trạng giảm giá đồng bitcoin trong vài ngày qua lớn hơn nhiều so với những lần trước đây. Điều đó cho thấy thị trường đã bắt đầu nhận ra những vấn đề của loại tiền ảo này đối với sự ổn định của thị trường tài chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.