(HNMO) - Ngày 24-4, tại Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021. Ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng tại sự kiện này thêm một lần khẳng định, mô hình liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và xã hội trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề là hướng đi tất yếu.
Kênh thông tin kết nối cung - cầu về lao động
Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 thu hút 6.000 học sinh, sinh viên, người lao động đến tìm hiểu; đồng thời quy tụ gần 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tổ chức tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng.
Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giải quyết việc làm của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Yên Thắng cho biết, năm 2021, nhà trường tuyển hơn 2.000 chỉ tiêu, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học văn hóa song song với học nghề. Cũng nhờ hình thức tuyển sinh đa dạng kèm theo cam kết giải quyết việc làm, Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội… thu hút nhiều thí sinh đăng ký học.
Không chỉ mở rộng đối tượng tuyển sinh, năm 2021, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn mở thêm những ngành, nghề mới, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường. Học sinh Nguyễn Thị Thu Quỳnh, lớp 9G, Trường THCS Dục Tú (huyện Đông Anh) cho hay: “Em thấy có nhiều ngành, nghề phù hợp với giới trẻ như chăm sóc sắc đẹp, kinh doanh trực tuyến, marketing online, công nghệ thông tin… Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, em sẽ cân nhắc tìm phương án học nghề phù hợp”. Còn anh Lê Trung Dũng (thị trấn Đông Anh) chia sẻ: “Đa số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cam kết bảo đảm có việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, nên tôi yên tâm để các con lựa chọn học nghề”.
Đáng chú ý, sự kiện này còn thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động và ký kết hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp tiến hành tuyển dụng 1.750 vị trí việc làm, du học, xuất khẩu lao động, trong đó nghề kỹ thuật viên thang máy thu hút nhiều học sinh, sinh viên, người lao động quan tâm.
Từ kinh nghiệm quản lý, Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Chí Trường đánh giá: “Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 là kênh thông tin kết nối cung - cầu về thị trường lao động hiệu quả, hấp dẫn, qua đó giúp người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp nhận ra họ đang cần những gì, thiếu những gì để tự hoàn thiện, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường”.
Tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
Trên thực tế, những năm gần đây, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
“Trung bình mỗi năm, hơn 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người. Số người học nghề tăng lên, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Thủ đô tăng từ 34,2% vào năm 2010 lên 70,25% vào năm 2020, thuộc nhóm cao của cả nước, dự kiến, tỷ lệ này sẽ tăng lên 71,5% vào cuối năm 2021”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho hay.
Hiệu quả của mô hình liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và xã hội trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề đã được khẳng định. Tiếc rằng, hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề chưa cao. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 250.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới có gần 600 doanh nghiệp ký kết hợp tác tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Để tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm phân tích, cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, làm căn cứ cho các nhà trường tổ chức đào tạo theo sát thực tiễn. Dưới góc độ sử dụng lao động, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vinaconex 1 Nguyễn Xuân Thọ mong muốn thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề. Các trường nghề cần tổ chức tuyển sinh, đào tạo những gì doanh nghiệp cần.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các bên liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Cùng với đó, các sở, ngành chức năng cần quan tâm triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở cần chủ động đổi mới tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động…
Ở cấp vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đánh giá, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề là giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hà Nội là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của đất nước, tập trung đông đảo người lao động, nên việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động cần được các bên quan tâm thực hiện hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.