(HNM) - Sau nhiều tuần chịu sức ép từ thị trường và các tranh luận nội bộ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giảm lãi suất lần đầu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cụ thể, mức lãi suất cơ bản giảm 0,25%, từ biên độ 2,25-2,5% hiện nay xuống còn 2-2,25%.
Được thông qua với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo của các giám đốc ngân hàng trung ương Mỹ, quyết định nói trên không nằm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư, nhà kinh tế. Hiện nay, nền kinh tế Mỹ đang ổn định, với tỷ lệ thất nghiệp thấp (2%), lạm phát được kiểm soát hiệu quả, lòng tin người tiêu dùng phục hồi tốt hơn dự đoán… Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại và cần phải có những biện pháp để tăng sức "đề kháng". Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc hay châu Âu đang ngày một leo thang, có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới.
Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,9%, là mức tốt nhất trong 3 năm trước đó nhưng chưa đạt mục tiêu 3% mà Tổng thống Donald Trump đặt ra. Tháng 3-2019, FED từng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ giảm từ 2,3% xuống còn 2,1%. Tương tự, các báo cáo cập nhật của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)… đã nhiều lần hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2019.
Mặc dù vậy, mức giảm lãi suất 0,25% trong lần này dường như chưa làm hài lòng các nhà đầu tư cũng như bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều đó lý giải tại sao một số biến động trái chiều đã tác động ngay đến thị trường như giá vàng thế giới giảm 1,17%; chỉ số chứng khoán ở các sàn giao dịch quốc tế biến động không đồng đều. Thực tế, việc lãi suất được giảm sâu hơn nữa có thể dẫn tới lạm phát tăng cao, nhưng lại được kỳ vọng sẽ kích thích nền sản xuất của Mỹ phát triển, đem lại nhiều lợi thế cho các nhà xuất khẩu nước này, qua đó tạo bứt phá trong thời gian ngắn. Lãi suất giảm sâu hơn cũng sẽ khiến giá vàng tăng, thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng điểm. Những thay đổi tích cực sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư, đồng thời tạo bảng thành tích “đẹp” cho người đứng đầu nước Mỹ, trong bối cảnh kỳ bầu cử tiếp theo đang tới gần.
Đăng trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ khẳng định, điều mà thị trường mong muốn còn là sự khởi đầu của một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh nhằm duy trì nhịp độ tương ứng với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác. Điều này được cho là góp phần giúp kinh tế Mỹ chống chọi tốt hơn với mối lo căng thẳng thương mại leo thang. Bản thân Chủ tịch FED Jerome Powell từng khẳng định, động thái hạ lãi suất lần này chỉ là sự điều chỉnh giữa chu kỳ trong chính sách tiền tệ, chứ không phải "phát súng" báo hiệu cho một chu kỳ cắt giảm sâu. Dù vẫn để mở khả năng tiếp tục giảm lãi suất, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, người đứng đầu FED nhấn mạnh cơ quan này sẽ xem xét thận trọng các số liệu trước khi có hành động tiếp theo.
Theo giới phân tích, bước đi lần này của FED là phù hợp trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang có được sự ổn định tích cực, đồng thời xoa dịu những cuộc tranh luận kéo dài trong chính nội bộ Washington. Việc điều chỉnh tiếp theo (dự kiến diễn ra trong tháng 9 tới) đi theo chiều hướng nào sẽ phụ thuộc vào sức tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như kết quả của những cuộc đàm phán về thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.