Lãnh đạo các nước Liên minh Châu Âu (EU) sẽ đối mặt với cuộc thảo luận khó khăn ngày 23-2 về các vấn đề như chọn người kế nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hay phải làm sao để lấp đầy khoảng trống ngân sách sau khi nước Anh rời khỏi EU, còn gọi là vấn đề Brexit.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ ngày 19-10-2017. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Những nội dung gai góc đó có nguy cơ gây ra những rạn nứt trong nội bộ EU gồm 27 nước thành viên. Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của 27 nhà lãnh đạo EU không có Anh diễn ra tại Brussels (Bỉ) tập trung vào giai đoạn then chốt trong lộ trình cho một liên minh nhỏ hơn và thống nhất hơn sau khi nước Anh rời EU.
Tuy nhiên, đã xuất hiện rạn nứt giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đi đầu hướng tới một Châu Âu cải tổ và Chủ tịch EC Juncker với "tầm nhìn liên bang" về cách lựa chọn các quan chức cấp cao của EU trong tương lai.
Ông Juncker được chọn làm Chủ tịch EC sau cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu năm 2014 nhờ một hệ thống gây tranh cãi do Đức đưa ra, đó là hệ thống chọn "ứng cử viên hàng đầu," cho phép khối chính trị lớn nhất trong Nghị viện Châu Âu (EP) có quyền chọn người đảm nhiệm chức Chủ tịch EC.
Ông Juncker khi đó là thành viên đảng Nhân dân Châu Âu (EPP), đảng về nhất trong cuộc bầu cử EP tháng 5-2014. Trong hội nghị thượng đỉnh không chính thức lần này, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, người điều phối các cuộc họp thượng đỉnh EU và đại diện cho các quốc gia thành viên, sẽ phải trình bày những lựa chọn có thể, nhất là việc có tiếp tục áp dụng hệ thống "ứng cử viên hàng đầu" trong bầu cử hay không.
Theo một nguồn tin Châu Âu, các nhà lãnh đạo sẽ phải đưa ra ý kiến về quyền và nghĩa vụ của họ trong việc chọn chủ tịch EC và tất cả phải tính đến các quan điểm tại EP khi điều đó đã được quy định trong các hiệp ước của EU.
Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia đã bày tỏ phản đối phương thức "ứng cử viên hàng đầu" với lý do phương thức này đã loại bỏ quyền của những người đứng đầu chính phủ được bầu một cách dân chủ để ủng hộ "thỏa thuận diễn ra nơi hành lang" mà các đảng phái chính trị đưa ra, và cũng làm cho công việc của Chủ tịch EC thiên về tính chất chính trị hơn.
Tuần trước, ông Macron đã chỉ trích Brussels không thống nhất được về kế hoạch ý thức hệ và kêu gọi loại bỏ tính chính trị hình thức để trao cho EC một nhiệm vụ rõ ràng. Tuy nhiên, ông Juncker đã tuyên bố hệ thống "ứng cử viên hàng đầu" là hoàn toàn logic. Mặt khác, ông còn đưa ra đề xuất hợp nhất hai vị trí Chủ tịch EC và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu.
Cuộc thảo luận trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Nghị viện Châu Âu bác bỏ đề xuất của ông Macron về một danh sách bầu cử đa quốc gia, với mục đích bầu ra 30 ghế tại EP trên tổng số 73 ghế do Anh để lại sau Brexit, được tiến hành trên bình diện toàn EU thay vì tại các đơn vị bầu cử riêng biệt.
Những cố gắng của EU nhằm vượt qua "cú sốc" sau khi thiếu đi một thành viên quan trọng đã vấp phải những vấn đề muôn thuở mà khối này luôn phải đối mặt trong suốt 6 thập niên tồn tại là tiền và chủ quyền. Nhiệm vụ lấp khoảng trống về tài chính do Brexit để lại trong ngân sách nhiều năm của EU từ năm 2020 có nguy cơ gây ra những mâu thuẫn nghiêm trọng hơn, nhưng lần này là chính giữa các quốc gia thành viên EU.
Trong hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Tusk sẽ tham vấn các lãnh đạo về việc họ muốn tăng, giảm hay giữ nguyên ngân sách của EU. Ủy viên Châu Âu phu trách vấn đề ngân sách Guenther Oettinger tuyên bố rằng việc nước Anh ra đi sẽ để lại một khoảng trống từ 12-15 tỉ euro và gợi ý rằng tới đây, mức đóng góp cần tăng lên tới 1,1 hoặc 1,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với 1% GDP của giai đoạn 2014-2020.
Nhiều khả năng các nước đóng góp ròng cho EU như Hà Lan, Đức, Áo, Thụy Điển và Phần Lan sẽ phản đối ý tưởng này. Cảnh báo của ông Oettinger về việc cắt giảm ngân sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp - một cơn ác mộng thực sự đối với nước Pháp, cùng với việc cắt giảm quỹ gắn kết có thể sẽ khiến các nước nghèo ở Đông Âu, vốn là đối tượng thụ hưởng chủ yếu, phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng.
Với những căng thẳng tiềm ẩn, không có gì ngạc nhiên khi EU đang đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thống nhất trong các cuộc thảo luận về Brexit với Anh. Bên cạnh quan hệ tương lai với Anh và vấn đề ngân sách, bầu cử, các nhà lãnh đạo EU cũng dự kiến thảo luận về nhiều vấn đề khác, đòi hỏi Châu Âu phải có biện pháp ứng phó trước áp lực ngày càng gia tăng về kinh tế và chính trị toàn cầu.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng ở Syria cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của các nền kinh tế Châu Á đòi hỏi Châu Âu phải có phản ứng của mình.
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh hơn bao giờ hết Châu Âu cần phải có đáp án đối với những vấn đề lớn trong thời đại hiện nay. Có thể thấy hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong bối cảnh nội khối đang có rất nhiều vấn đề cần giải quyết bên cạnh những thách thức và sức ép từ bên ngoài.
Một tiếng nói chung với các vấn đề ngoại khối có thể dễ dàng đạt được, song những gì liên quan tới quyền lợi trực tiếp của các nước thành viên như đã nêu trên sẽ thực sự là trở ngại, đòi hỏi các nước phải cùng nỗ lực vì lợi ích tổng thể, đưa "mái nhà chung" vượt qua những rạn nứt và tiến lên phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.