Dù những chuyến tàu dân sinh có mật độ khách đi tàu ít và lỗ nhiều, tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt vẫn duy trì chạy để đường ray không hỏng, đảm bảo việc đi lại của người dân.
Trao đổi với phóng viên vào sáng nay, 31-7, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, mỗi năm, để duy trì vận hành 3 tuyến tàu an sinh, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) lỗ tới 20 tỷ đồng với tần suất mỗi ngày một chuyến.
Hiện, VNR đang chạy 3 tuyến tàu an sinh là Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Quán Triều, Yên Viên-Hạ Long... Đây là những tuyến có doanh thu thấp, mật độ hành khách đi lại không cao nhưng vẫn phải chạy tàu.
Theo ông Minh, Luật Đường sắt sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2018 cũng như Nghị định 65 đã ra đời, trong đó quy định về vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội và hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt sẽ được bù đắp chi phí để đảm bảo cân bằng.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch VNR thừa nhận, chính việc thủ tục hồ sơ hiện chưa xong, VNR và HARACO đã trình hồ sơ lên Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt kế hoạch chạy tàu an sinh và chờ Bộ ban hành Thông tư để hướng dẫn riêng về việc tính toán bù đắp chi phí đối với các tuyến tàu an sinh này.
“Tổng công ty Đường sắt kỳ vọng, trong năm nay sẽ có Thông tư này để bù đắp các chi phí cho các đơn vị vận tải đường sắt mới có thể chạy tiếp, nếu không sẽ rất khó duy trì”, ông Minh kiến nghị.
Theo ông Minh, VNR là doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội do Nhà nước chi phối trên 91% và vẫn phải duy trì tuyến này. Số tiền lỗ 20 tỷ đồng này được đưa vào kết quả sản xuất kinh doanh của HARACO và đơn vị vẫn phải chịu chi phí là hoàn toàn không hợp lý.
“Chạy tàu an sinh mang tính trách nhiệm với xã hội nhiều hơn là tính đến lỗ lãi. Nếu dừng chạy tàu an sinh thì quyền đi lại của người dân sẽ bị ảnh hưởng, hạ tầng đường sắt sẽ không được duy tu, bảo trì thường xuyên, sẽ xuống cấp, hư hỏng và đây là điều lãng phí cực lớn”, ông Minh nhìn nhận.
Đưa ra quan điểm có thể hôm nay những tuyến này là tàu dân sinh nhưng với thời gian sau mật độ khách tăng thì có thể chuyển đổi thành tàu khách, tàu hàng nên buộc phải duy trì, do đó, ông Minh đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm giải quyết để cho các công ty, doanh nghiệp chạy tuyến dân sinh bù đắp được chi phí.
Trả lời câu hỏi về tiền lương công nhân lao động vận hành dọc 3 tuyến tàu an sinh này là rất thấp, ông Minh cho rằng, tiền lương của tuần đường, gác chắn là sản phẩm công ích được Nhà nước đặt hàng và có các quy định về mức lương.
Tuy nhiên, ông Minh cũng than thở, việc tính toán để tăng lương cho nhân viên đường sắt ở cả 3 tuyến tàu này cũng thực sự rất khó, bởi tại vị trí các đường ngang trong ngày chỉ có một chuyến tàu chạy qua. Nhân viên gác chắn chỉ làm một tác nghiệp, chắc chắn lương sẽ thấp hơn nhiều so với mặt bằng nơi có tần suất tàu đi qua nhiều hơn.
VNR cũng đã từng bước báo cáo Chính phủ để điều chỉnh lại cơ chế tiền lương cho công nhân tuần đường gác chắn để đảm bảo được tối thiểu nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người lao động, để họ gắn bó với ngành đường sắt.
Đối với các công ty trong ngành đường sắt, VNR cũng giao nhiệm vụ cố gắng bù đắp tiền lương từ các nguồn khác để bớt các khó khăn cho công nhân, nhưng việc này cũng không thể nhanh chóng trong “một sớm một chiều”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.