(HNMO) - Đường sách, Phố sách đó là một cách đưa sách đến với bạn đọc rất thú vị và làm cho thị trường sách nóng hẳn lên. Không những vậy cách làm này còn làm tăng thêm nét đẹp văn hóa đọc sách, tạo cơ sở cho việc xây dựng chính sách xã hội học tập và học tập suốt đời...
Với kết quả từ Đường sách và Phố sách ở Hà Nội và Thành phố HCM dịp Tết vừa rồi có thể nói đó là một cách tiếp cận thị trường sách rất tốt. Với cách tổ chức khéo léo, phù hợp thì nỗi lo về thị trường sách sẽ giảm đi và văn hóa đọc sách sẽ được tạo dựng…
Lối thoát nào cho thị trường sách?
Lâu nay, nhiều người đã lo lắng cho rằng thói quen đọc sách trong người dân đang bị suy giảm và thị trường kinh doanh sách sẽ càng thêm ảm đạm. Điều này được lý giải là do thời gian nhàn rỗi của người dân dành cho đọc sách không còn vì sự chiếm lĩnh của các phương tiện nghe, nhìn, mạng internet, đi du lịch...
Thật ra, trên thực tế chúng ta cũng chưa thực hiện một cuộc điều tra xã hội học cơ bản nào trên qui mô lớn để xác định tình trạng suy giảm văn hóa đọc đang ở mức độ nào, có tác động ra sao đến chiến lược xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời…
Nhìn lại trong mấy chục năm qua, văn hoá đọc ở nước ta cũng đã có những bước phát triển vượt bậc. Theo số liệu thông kê của Thư viện Trung ương thì trước năm 1975, cả hai miền Bắc và Nam xuất bản hàng năm được khoảng chưa đầy 4.000 tên sách, ngày nay hàng năm xuất bản khoảng xấp xỉ 25.000 tên sách, tăng gấp 6 lần, gần đây tốc độ gia tăng hàng năm khoảng 10%.
Cả nước hiện nay đang xuất bản khoảng gần 400 tên báo, tạp chí, nhiều báo có số lượng xuất bản mỗi số lên tới 500.000 bản. Hệ thống thư viện công cộng đã phát triển từ tỉnh tới huyện gồm 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã.
Tuy vậy, thời gian gần đây tình hình sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản, công ty sách hoạt động khó khăn, lâm vào cảnh thua lỗ dẫn đến ngừng hoạt động là có thật. Việc nhiều Công ty kinh doanh sách không mang lại hiệu quả đã được lý giải là do văn hóa đọc bị suy giảm, do chi phí mặt bằng và nhân công quá cao, trong khi thị trường sách online giá rẻ bùng nổ.
Đặc biệt là tình trạng sách in lậu, vi phạm bản quyền tràn lan cũng làm thị trường sách điêu đứng thêm... Ông Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, tình trạng thiếu vốn đang đẩy các nhà xuất bản vào cảnh hoạt động lay lắt, hiện có hơn 50% nhà xuất bản có số vốn làm sách dưới 2 tỷ đồng.
Vài năm trở lại đây chúng ta đã có những chính sách tích cực để tác động vào thị trường kinh doanh sách, ví dụ cho các đơn vị tư nhân được phép liên kết với các nhà xuất bản quốc doanh để in sách, tạo điều kiện cho các nhà xuất bản hoạt động theo cơ chế thị trường.
Các công ty đã đầu tư mạnh vào khâu nghiên cứu thị trường sách và cải thiện các dịch vụ để đưa ra giá bán cạnh tranh thích hợp với thị trường… Việc hai thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đưa sáng kiến Đường sách, Phố sách trong các ngày lễ, Tết... có thể là lối thoát, làm cho thị trường sách sôi động lên.
Hà Nội – vẫn cần phát triển thị trường sách
Phố sách Hà Nội vừa tổ chức lần đầu tiên trong dịp Tết Bính Thân năm 2016. Tuy Phố sách Hà Nội mới chỉ hoạt động từ ngày 10/2 – 15/2/2016 nhưng đã có sự tham gia của gần 20 đơn vị xuất bản như Thái Hà, Kim Đồng, Nhã Nam, Đông Tây… Những ngày mở cửa, rất đông khách đã đến tham gia mua sách, đọc sách, giao lưu với các tác giả…
Qua lời một nhân viên bán sách của một công ty tại một quầy bán sách tại đây thì doanh thu trung bình của một quầy/ngày khoảng chừng 40 triệu đồng. Hầu hết các sách bán trong dịp này đều được các nhà sách giảm giá từ 10% đến 70%, tùy loại.
Nói về hoạt động của Phố sách, rất nhiều khách mua sách cho biết nên duy trì thường niên để phố sách trở thành “thương hiệu” của ngành xuất bản Hà Nội, nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần mỗi dịp Tết đến Xuân về. Hơn nữa, họ muốn Phố sách được tổ chức thêm vào những dịp lễ hoặc những đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn như bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân…
Với cách thức tổ chức kết hợp như nói chuyện về sách, giới thiệu sách, gặp gỡ các tác giả có sách bán chạy nhất…sẽ giúp đông đảo bạn đọc biết đến sách, mua sách hơn…Cách làm này dần dần sẽ tạo thành thói quen mua sách của người dân. Qua Phố sách, người đọc sách có thêm nhiều quyền lựa chọn sách cho sở thích, mục đích của mình còn nhà sách có thể nắm được nhu cầu của các độc giả.
Hơn nữa, Phố sách còn là nơi gặp gỡ trao đổi của các tác giả viết sách, nhà sách với người đọc, làm người đọc hiểu thêm về tác giả hay trao đổi những vấn đề mình chưa hiểu rõ ràng. Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê từ Sở Thông tin - truyền thông Thành phố thì lâu nay thói quen mua sách của người dân đã hình thành khi tham gia Đường sách. Cụ thể, Đường sách dịp Tết có tám đơn vị tham gia và hơn 1 triệu lượt người đã đến với Đường sách. Kết quả sau tám ngày Đường sách hoạt động, các đơn vị tham gia thu về hơn 3,8 tỉ đồng tiền bán sách, trong đó đơn vị có doanh thu cao nhất là Công ty Phương Nam với 730 triệu đồng...
Đường sách, Phố sách là rất thiết thực bởi nó có thể xây dựng thói quen đọc sách trong dân chúng, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên - tương lai của đất nước và tôn vinh những người viết sách, những người đọc sách. Đây là một trong những hoạt động văn hóa thú vị, góp phần kích thích văn hóa đọc trong mỗi người dân Hà Nội, tạo điểm nhấn cho ngành xuất bản Thủ đô.
Rất mong các nhà tổ chức ở Hà Nội sẽ có thêm những Đường sách và qua những hoạt động đó sẽ làm cho Thị trường sách Hà Nội phát triển hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.