(HNM) - Phố sách Hà Nội, Đường sách thành phố Hồ Chí Minh là hai mô hình không gian văn hóa đọc tiên phong, đã phát triển thành công, trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn với công chúng, góp phần nâng cao văn hóa đọc. Từ đây, hai thành phố này và nhiều địa phương trên cả nước đã, đang xây dựng thêm những phố, đường dành riêng cho sách, hứa hẹn tạo sự đột phá cho văn hóa đọc nước nhà.
Không gian văn hóa hấp dẫn
“Là một công dân Thủ đô, tôi tự hào vì có một không gian văn hóa tuyệt vời là Phố sách Hà Nội để giới thiệu với mọi người. Ở góc độ người làm xuất bản, Phố sách Hà Nội giúp những người làm nghề trưng bày, giới thiệu, quảng bá sách, nói lên tiếng nói của mình. Là độc giả, tôi tìm được những cuốn sách hay, được gặp gỡ, giao lưu với các tác giả và người chung sở thích ở đây”, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm).
Phố sách Hà Nội đi vào hoạt động từ ngày 1-5-2017, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, do UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và các đơn vị thực hiện. Nơi đây có gần 20 gian hàng sách, có gian hàng hoa, không gian cà phê sách, khu đọc sách, góc trải nghiệm và quảng trường sân khấu trung tâm, thường xuyên tổ chức giới thiệu, trưng bày sách, giao lưu tác giả, tác phẩm và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Phố sách Hà Nội đã trở thành điểm hẹn tri thức quen thuộc của độc giả yêu sách Thủ đô, cũng như khách du lịch. Hơn 5 năm hoạt động, nơi đây đã tổ chức khoảng 300 sự kiện, đón hơn 3 triệu lượt khách và lượng sách bán ra đạt gần 3 triệu bản... Đặc biệt, các sự kiện phố sách xuân vào dịp Tết Nguyên đán và phố sách cuối tuần vào những ngày cuối tuần thu hút đông đảo người trải nghiệm.
Còn Đường sách thành phố Hồ Chí Minh hoạt động từ tháng 1-2016, tại đường Nguyễn Văn Bình (phường Bến Nghé, quận 1), với 30 gian hàng của các nhà xuất bản, đơn vị làm sách cùng không gian cà phê sách, gian hàng lưu niệm, sân chơi thiếu nhi, sân khấu dành cho các hoạt động giao lưu, khu vực đọc sách tiếng Anh, chiếu nghỉ đọc sách… Sau 7 năm, Đường sách thành phố Hồ Chí Minh đã đón khoảng 15 triệu lượt khách, bán gần 5 triệu cuốn sách, tổ chức khoảng 1.500 sự kiện…, trở thành một địa điểm văn hóa năng động, sôi nổi của thành phố. Đặc biệt, Lễ hội Đường sách Tết tổ chức mỗi dịp đón xuân mới trên tuyến đường Lê Lợi (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) cũng thu hút đông đảo người dân và du khách đến trải nghiệm, du xuân, đưa hàng chục nghìn cuốn sách tới bạn đọc.
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Đường sách thành phố Thủ Đức trên đường Hồ Thị Tư - trung tâm thành phố Thủ Đức, tạo thêm một điểm đến văn hóa tri thức ở thành phố mang tên Bác.
Cùng với hai thành phố lớn, nhiều phố sách, đường sách cũng đã và đang được hình thành tại các địa phương trên cả nước. Điển hình là Đường sách Vũng Tàu (phường 1, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với diện tích hơn 1.900m2, gồm 11 gian hàng sách, các gian văn hóa phẩm tổng hợp, khu vực cà phê sách và góc đọc, sân khấu tổ chức các sự kiện giới thiệu, giao lưu về sách… Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh… cũng đang tham khảo các mô hình để tiến tới xây dựng đường sách, phố sách tại địa phương với mong muốn tạo không gian văn hóa tri thức hấp dẫn cho người dân.
Nhân rộng nét đẹp văn hóa tri thức
Là người thường xuyên đến Phố sách Hà Nội, chị Lê Thị Thanh Tâm (phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng) cảm nhận: “Không gian này có sức quyến rũ, vừa tĩnh lặng cho người đọc sách, vừa đẹp mắt, sôi nổi để thu hút giới trẻ… Tôi thường đưa các con đến đây, chúng rất thích và mua nhiều sách về đọc hơn”.
Bên cạnh hình thành phố sách, đường sách, việc duy trì, tạo sự hấp dẫn cho không gian này rất quan trọng. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, được giao quản lý Phố sách Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động, góp phần nâng cao văn hóa đọc. Để tiếp tục phát huy không gian này, quận đã phối hợp đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, đồng thời tổ chức chương trình Phố sách cuối tuần với đa dạng hoạt động giao lưu sách, văn nghệ, giáo dục… nhận được sự hưởng ứng tích cực của công chúng.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Thái Hà Books Nguyễn Mạnh Hùng, phố sách, đường sách là những không gian tổ hợp văn minh và hiện đại, tạo nên nét đẹp văn hóa địa phương. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương cần xây dựng thêm nhiều phố sách, đường sách với những quy mô khác nhau, để tri thức được lan tỏa, thu hút nhiều người đến với sách và đọc sách, tạo sự đột phá cho văn hóa đọc.
Còn Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng cho hay, để xây dựng thành công đường sách, phố sách, phải có sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương và các đơn vị trong ngành; bố trí địa điểm thuận lợi; sắp xếp không gian khoa học; điều hành tốt; tổ chức hoạt động hợp lý; chú trọng truyền thông, quảng bá; mở rộng hợp tác, liên kết với các đơn vị, tổ chức, địa phương trong nước và quốc tế…
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên cho biết, một trong những giải pháp của ngành Xuất bản, In và Phát hành để đẩy mạnh văn hóa đọc là phát triển các mô hình phố sách, đường sách rộng khắp, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.