(HNM) - Gần 5 năm kể từ ngày đưa vào vận hành đến nay, thật khó có thể đếm hết số lần lún trên mặt đường Mai Chí Thọ (trước đây là tuyến Đại lộ Đông - Tây TP Hồ Chí Minh) thuộc địa bàn Quận 2. Đáng nói hơn, sau mỗi đợt lún, chủ đầu tư đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để sửa chữa nhưng tình trạng lún
Câu chuyện lún đường Mai Chí Thọ không biết bao giờ mới đi đến hồi kết. |
Theo ghi nhận, đường Mai Chí Thọ (đoạn vòng cung ngã ba Cát Lái đi cầu Rạch Chiếc), các vệt lún sâu khoảng 10 đến 20cm kéo dài hơn 200m và in hằn rõ thành hai đường. Đứng trên cầu vượt Cát Lái quan sát, cứ vào tầm giờ cao điểm sáng chiều, mỗi lần xe tải đi qua khu vực này, tài xế luôn phải giảm tốc độ còn khoảng 10km/giờ để "bò" qua. "Nếu tài xế đi lần đầu, không quen đường, nhất là ban đêm rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn hoặc lật xe", tài xế Lê Văn Hạnh, Công ty TNHH Giao nhận vận tải và thương mại Công Thành (quận Thủ Đức) khẳng định. Cũng thường xuyên đi trên tuyến đường này, tài xế Nguyễn Thành Lâm, Công ty TNHH Vận tải Minh Liên (quận Bình Thạnh) bức xúc nói: "Tiền phí chúng tôi vẫn phải đóng đủ nhưng đường lún liên tục, không khi nào chạy trên tuyến này mà hết lún. Trước đây là đoạn ngã tư Mai Chí Thọ giao đường Nguyễn Thị Định và giao đường Đồng Văn Cống, bây giờ lại đến đoạn này. Chưa kể, gần như cả đoạn đường Đồng Văn Cống cũng lún nặng".
Có thể dễ dàng nhận thấy, nếu xe tải không đi vào chỗ hằn vệt bánh xe thì gần như không thể tìm lối nào để đi. Trong khi, đi vào vệt hằn trên, có những đoạn xe tải bị nghiêng sang bên phải với góc nghiêng khoảng 30 độ. Theo các tài xế, nếu tình trạng này kéo dài mà chủ đầu tư không khắc phục nhanh chóng nguy cơ tai nạn giao thông chỉ là vấn đề thời gian. Trong khi đó, mật độ lưu thông tuyến đường này khoảng hơn 20.000 lượt xe/ngày đêm.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư) cho biết, khu vực trồi nhựa đang được chủ đầu tư chuẩn bị công tác sửa chữa, dự kiến sẽ tiến hành trong 2 tháng tới. Công tác trên sở dĩ chậm vì cần chuẩn bị kỹ phương án phân luồng, tổ chức giao thông… nhằm tránh gây tắc đường. Trước mắt, chủ đầu tư sẽ tiến hành cào bóc, xử lý êm thuận mặt đường để bảo đảm giao thông trong thời gian chuẩn bị công tác sửa chữa chính thức. Tuy nhiên, khi PV đặt ra vấn đề: Giải pháp khắc phục triệt để? Dự trù kinh phí và thời gian hoàn thành? Việc lún đi lún lại mà chủ đầu tư vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước, trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề này như thế nào? thì không được ông Phúc giải đáp.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP Hồ Chí Minh quả quyết, kết cấu cấp phối bê tông nhựa mặt đường chắc chắn làm không chuẩn, điều này gây ra trồi nhựa và lún sâu, tạo thành vệt hằn bánh xe kéo dài trên đoạn đường này. "Có thể toàn bộ kết cấu nền mặt đường đã bị phá hủy do khảo sát thiết kế không bảo đảm yêu cầu lưu lượng và tải trọng xe chạy thực tế trên nền đất yếu", ông Trường nhận định. Để khắc phục, theo ông Trường, trước hết phải cào bỏ hết lớp nhựa mặt đường trên, đồng thời, chủ đầu tư cần làm đường bê tông xi măng cốt thép, tuy chi phí cao nhưng sẽ giải quyết một cách triệt để. Chưa kể, nếu cứ khắc phục bằng giải pháp tạm bợ thì kinh phí làm đi làm lại còn tốn kém hơn và không hiệu quả. Ngoài ra, ảnh hưởng đến độ bền công trình lẫn tình trạng mất an toàn trên tuyến đường huyết mạch ra vào cảng.
Nói về trách nhiệm của các đơn vị liên quan, một chuyên gia xây dựng giao thông cho hay, theo luật xây dựng, trong thời gian khai thác sử dụng (dù sau thời hạn bảo hành), nếu xảy ra sự cố về chất lượng như trên, các đơn vị có liên quan đến xây dựng công trình như: Chủ đầu tư, thiết kế, thi công, giám sát… đều phải chịu trách nhiệm. Trong đó, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện. "Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần thực hiện đúng các thủ tục trình tự xử lý sự cố theo các quy định của luật xây dựng. Không nên cả nể các đơn vị tài trợ, tư vấn, nhà thầu nước ngoài và nên công khai minh bạch, cầu thị lắng nghe ý kiến phản biện của giới chuyên môn".
Được biết, hằng năm ngân sách TP Hồ Chí Minh vẫn phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp hệ thống hạ tầng đường sá trên địa bàn, trong đó có đường Mai Chí Thọ. Do vậy, để tiền ngân sách không bị "nướng" theo những công trình "sửa mãi không xong" này, rất cần các đơn vị liên quan thể hiện trách nhiệm cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.