Góc nhìn

Đừng bán rẻ danh tiếng!

Hà Trang 11/10/2023 - 06:16

Mặc dù đã có quy định người quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý vi phạm hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, nhưng thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng, vẫn tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh... trên mạng xã hội một cách thái quá, thổi phồng công dụng, khiến công chúng bức xúc.

Trong khi ở nhiều nước, các nghệ sĩ nổi tiếng nói riêng và những cá nhân được mệnh danh là “người của công chúng” đã dần xa rời hoạt động này thì ở Việt Nam, nhiều nghệ sĩ vẫn “nhiệt tình” tham gia lăng xê cho nhiều sản phẩm hoàn toàn không “thần kỳ” như trong quảng cáo. Thậm chí, có trường hợp sản phẩm dù chưa có giấy phép lưu hành của cơ quan chức năng nhưng vẫn được các nghệ sĩ tung hô. Để “né” xử phạt từ cơ quan chức năng, nhiều người nổi tiếng đã biến nội dung quảng cáo thành hình thức “trải nghiệm cá nhân” và chia sẻ “thông tin bổ ích” cho công chúng. Một số nghệ sĩ nhận quảng cáo “lậu” từ các cơ sở kinh doanh, không xác lập các hợp đồng quảng cáo, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm…

Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về tội quảng cáo gian dối. Cụ thể, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Trước sự bức xúc của dư luận, thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn đề nghị chấn chỉnh việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng. Bộ cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điều khoản liên quan tới hoạt động quảng cáo. Cụ thể là: Khi tham gia hoạt động quảng cáo, các nghệ sĩ phải bảo đảm truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.

Đối với các nghệ sĩ, bên cạnh những quy định nói trên, chúng ta cần sớm đưa ra những chế tài pháp lý chặt chẽ hơn, bởi họ có thể tạo ảnh hưởng, định hướng hành vi của người hâm mộ nghe theo quảng cáo và lựa chọn sản phẩm. Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng quy định xử phạt nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Theo đó, thời gian tới, bên cạnh phạt hành chính, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sẽ bị xem xét kiến nghị đưa vào “danh sách đen” hạn chế biểu diễn, phát sóng, quảng cáo. Tất cả nhằm xử lý hiệu quả nhất, khiến cả nghệ sĩ vi phạm và dư luận đều tâm phục, khẩu phục.

Dù chỉ một bộ phận nhỏ nghệ sĩ có những phát ngôn chưa chuẩn mực, những hành động chưa đẹp, tham gia quảng cáo sai sự thật… nhưng lại gây tác động tiêu cực lớn. Bởi hơn ai hết, nghệ sĩ là những người bằng nghệ thuật chuyển tải tới xã hội những giá trị chân, thiện, mỹ. Chính vì vậy, khi được mời tham gia quảng cáo, các nghệ sĩ nên cân nhắc cẩn thận; đừng vì cái lợi trước mắt mà “bán” mất danh tiếng bao năm dày công gây dựng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng bán rẻ danh tiếng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.