(HNMCT) - Việc nhiều nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng, tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh... trên mạng xã hội một cách thái quá, thổi phồng công dụng... đang là vấn nạn khiến công chúng bức xúc. Tại hội thảo với chủ đề “Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải phạt nặng với hành vi này.
Nghệ sĩ đi vào “vè quảng cáo”
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một bài vè về chuyện nghệ sĩ tham gia quảng cáo thuốc: “Thoát vị đĩa đệm thì gặp Quyền Linh/ U xơ trong mình, đến Hồng Vân gấp/ Vai gáy tê thấp, thì gặp Cát Tường/ Nếu bị tiểu đường, Quang Tèo chữa khỏi/ Đột quỵ đừng đợi, gặp ngay Trấn Thành/ Quang Thắng chữa nhanh, dạ dày trào ngược/ Nếu không chữa được, lại gặp Quyền Linh...". Bài vè này xuất phát từ việc người dùng cứ mở mạng xã hội ra là gặp hình ảnh nghệ sĩ gắn liền với đủ loại quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng... Đáng nói, đa phần nội dung quảng cáo đều được thổi phồng, các loại dược, mỹ phẩm đều được “tâng bốc” như “thần dược”. Thậm chí, có nghệ sĩ từng bị “bóc phốt” là cầm bệnh án giả, tự nhận mình từng bị bệnh nhưng nhờ uống thuốc nên đã khỏi để quảng cáo, khiến người xem vô cùng bức xúc. Một số nghệ sĩ cho biết, họ là nạn nhân, bị cắt ghép hình ảnh, nhưng cũng có không ít nghệ sĩ đã phải nhận sai, phải gỡ bài và xin lỗi công chúng.
Tại hội thảo với chủ đề “Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức mới đây, vấn đề nói trên cũng được đưa ra mổ xẻ. Nhà văn Nguyễn Hiếu kể: “Tôi nhớ, NSND Lan Hương từng cho biết chị rất ngại ký các hợp đồng quảng cáo, nếu vì quá nể, không đừng được thì chị sẽ xin phép dùng thử sản phẩm rồi mới quyết định. Với kinh nghiệm của một nghệ sĩ lâu năm đứng trước ống kính, chị còn cho biết, khi đứng chụp chị thường đứng nghiêng để đề phòng người ta có thể lợi dụng ảnh mình chụp để ghép sản phẩm vào tay mình. Tôi còn nhớ, cố NSND Anh Tú khi còn là diễn viên cũng từng tham gia quảng cáo thuốc xịt mũi, nhân chuyện này tôi có viết bài “Chàng Hăm lét mũi đỏ”. Nhưng khi ông lên đảm nhận vị trí quản lý, ông dứt khoát không nhận một hợp đồng quảng cáo nào”. Nhà văn Nguyễn Hiếu đưa ra hai dẫn chứng này để cho thấy sự đối lập với những nghệ sĩ “vì đồng tiền mà đánh đổi nhân cách”, sẵn sàng ký hợp đồng quảng cáo các mặt hàng chưa được kiểm nghiệm. Có một điểm rất dễ nhận ra là các nghệ sĩ phần nhiều quảng cáo cho các loại thuốc chữa bệnh. Hình như nghệ sĩ là nghề gắn với ốm đau, sầu não, bệnh tật. Một bài báo đã viết khá hài hước rằng “nghệ sĩ đó mặt hồng hào, tươi tắn nhưng buổi sáng thì nhăn nhó vì quảng cảo thuốc trĩ, đến chiều lại chớp chớp mắt quảng cáo thuốc đau mắt. Mà thuốc nào nghệ sĩ này quảng cáo cũng cam đoan chỉ một liệu trình là khỏi hẳn”.
Chế tài như thế nào?
Trước sự bức xúc của dư luận, tháng 6-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch có công văn đề nghị chấn chỉnh việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng. Tháng 12-2021, Bộ ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điều khoản liên quan tới hoạt động quảng cáo, yêu cầu nghệ sĩ: Tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường. Trước đó, Luật Quảng cáo năm 2012 cũng có quy định cụ thể về việc quảng cáo sai sự thật. Tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo bát nháo trên mạng xã hội của một số nghệ sĩ vẫn diễn ra và nhiều trường hợp gây khó cho cơ quan quản lý bởi lách luật dưới dạng “review”, trải nghiệm... Theo Tiến sĩ Cao Ngọc: “Trung Quốc, Hàn Quốc có chế tài khá mạnh với các hành vi quảng cáo sai sự thật như phạt hành chính rất nặng, cấm tham gia quảng cáo... Nhật Bản yêu cầu nghệ sĩ khi quảng cáo phải có trách nhiệm cung cấp thông tin khách quan, loại bỏ những thông tin sai lệch, và các cụm từ có tính chất tuyệt đối hóa như “tốt nhất”, “hiệu quả nhất”, “thần dược”... không được phép sử dụng. Ở Việt Nam, dường như chúng ta vẫn còn thả lỏng mảng này, quy định hay chế tài xử phạt vẫn chưa đủ nghiêm. Còn nhớ, hàng loạt nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng đã bị công chúng lên tiếng, truyền thông vào cuộc và chỉ đến khi đó, một số nghệ sĩ mới lên tiếng xin lỗi hoặc âm thầm chờ... thời gian trôi, sự việc đi vào quên lãng”.
Như vậy, bên cạnh việc đề cao danh dự, trách nhiệm của nghệ sĩ, cũng cần có chế tài mạnh mẽ hơn để nghệ sĩ "biết sợ" mà thận trọng khi đánh đổi danh tiếng chỉ vì lợi nhuận, tránh cho người hâm mộ vì tin nghệ sĩ mà tiền mất, tật mang!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.