Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dựa vào đánh giá của nhân dân để lựa chọn cán bộ

Võ Lâm thực hiện| 22/08/2017 07:23

(HNM) - Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã dành cho Báo Hànộimới cuộc phỏng vấn xung quanh các quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ vừa được Bộ Chính trị ban hành. Ông khẳng định, để thực hiện tốt các quy định mới cần phải dựa vào đánh giá của nhân dân để lựa chọn cán bộ.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo.


- Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 89-QĐ/TƯ “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp” (Quy định 89) và Quy định số 90-QĐ/TƯ “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” (Quy định 90). Xin giáo sư cho biết ý kiến về hai quy định này?

- Có thể nói, đây là hai văn bản rất quan trọng đối với Đảng ta trong việc thực hiện Chiến lược công tác cán bộ. Nó nằm trong tổng thể chung là đổi mới công tác tổ chức cán bộ của Đảng trong điều kiện hiện nay, thể hiện quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh theo đúng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Việc ban hành hai quy định mới cho thấy trách nhiệm chính trị rất cao của Đảng trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà Đảng có trọng trách lãnh đạo. Đây là bước cụ thể hóa quan điểm lý luận của Đảng đã từng được thể hiện trong cương lĩnh, trong các văn kiện Đại hội, trong các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Qua đây thể hiện sự thấm nhuần của Đảng ta trong việc tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác tổ chức, cán bộ. Đảng ta rất coi trọng vai trò của tổ chức, nhất là tổ chức Đảng, cả tổ chức Đảng các cơ quan lãnh đạo tầm chiến lược, cũng như cấp cơ sở. Tổ chức mạnh là nhờ có cán bộ tốt, cán bộ tốt mới tạo nên sức mạnh của tổ chức, nâng cao được năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, ngang tầm nhiệm vụ. Cán bộ cơ sở được lòng dân thì xã hội sẽ lành mạnh. Cán bộ cấp chiến lược thể hiện được tinh hoa cả về đạo đức và trí tuệ thì mới đủ sức dẫn dắt, mới đủ sức tạo ra xung lực để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng đi lên.

- Những tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra trong Quy định 89 và Quy định 90 có ý nghĩa như thế nào, thưa giáo sư?

- Đây là cả một hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí hết sức khoa học, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cần lưu ý là, trong các quy định này, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh các tiêu chuẩn, tiêu chí về phẩm chất đạo đức. Tất cả đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thuộc Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tiêu chuẩn đầu tiên phải là những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Đây là những quy định hết sức đúng đắn, vì chỉ khi cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất đạo đức mới giữ được sự trong sạch của bộ máy, mới làm gương cho xã hội.

Với hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí chặt chẽ, đầy đủ, tôi tin rằng, hai quy định mới sẽ tạo ra động lực thúc đẩy các cấp ủy đảng, các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước xem xét tự đánh giá, tự xác định cho mình những chương trình hành động cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và sử dụng nhân tài; đồng thời làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tắm mình trong đời sống thực tiễn, tạo ra sự chuyển biến về chất trong việc lãnh đạo, phục vụ nhân dân.

- Từ việc thực hiện hai quy định này, giáo sư có cho rằng, những hạn chế, yếu kém của công tác cán bộ thời gian qua sẽ nhanh chóng được khắc phục?


- Đảng ta đã từng đưa ra nhận định: “Đảng đông nhưng không mạnh”. Nhận định này xuất hiện rất sớm, từ thời kỳ đầu đổi mới, ở Đại hội VII, Đại hội XII, khi kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và gần đây nhất, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, theo tôi quan trọng nhất là chỉnh đốn về công tác cán bộ, làm sao để sàng lọc cho được đội ngũ cán bộ, kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những kẻ cơ hội thoái hóa, biến chất, làm mất lòng tin của Đảng và nhân dân. Vì thế, chính những quy định lần này sẽ góp phần giúp Đảng ta khắc phục được những hạn chế, yếu kém, những nguy cơ nêu trên.

- Theo giáo sư, mấu chốt để thực hiện có hiệu quả hai quy định mới là gì?


- Trong quá trình thực hiện các quy định mới cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa đề cao lãnh đạo của tập thể, sức mạnh tập thể, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu. Đọc kỹ các quy định thấy rõ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Cho nên, có lựa chọn được đội ngũ cán bộ xứng đáng, có tâm, có tầm, có trí hay không, phải dựa vào dư luận xã hội, nhất là đánh giá của người dân. Việc lựa chọn cán bộ xét đến cùng là bằng thước đo hiệu quả, có phục vụ nhân dân tốt hay không, có được nhân dân tín nhiệm hay không. Đánh giá của nhân dân là đánh giá trung thực và khách quan nhất. Đảng phải căn cứ vào đó để lựa chọn, bồi dưỡng đồng thời kiểm tra, sàng lọc đội ngũ cán bộ.

Cách đây 70 năm khi viết “Sửa đổi lối làm việc”, trong mục “Xây dựng Đảng cách mạng chân chính”, Bác Hồ đã nêu rõ phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, căn cứ vào ý kiến đánh giá của dân, dư luận của dân để tự xem xét đường lối của Đảng đúng hay sai, công tác tổ chức bộ máy có gì để chấn chỉnh. Tôi tin rằng, chính nhân dân sẽ hậu thuẫn cho Đảng, là tiếng nói trung thực, khách quan, giúp cho Đảng thực hiện việc lựa chọn cán bộ khoa học, khách quan, công minh và xứng đáng.

- Trân trọng cảm ơn giáo sư!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dựa vào đánh giá của nhân dân để lựa chọn cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.