Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa "điểm nóng" trở thành điểm sáng

Chí Kiên| 08/08/2018 06:28

(HNM) - Sau một năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, có thể thấy tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thành phố, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã nâng lên rõ rệt.


Kết quả rõ nhất từ khi Nghị quyết 15-NQ/TU được ban hành là cấp ủy các cấp đã rà soát, đánh giá rõ thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở những địa bàn còn "điểm nóng" hoặc tiềm ẩn nguy cơ. Từ đó, nhiều giải pháp bám sát thực tiễn được triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.

Đó là việc chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; quy định rõ và gắn với trách nhiệm người đứng đầu... Đặc biệt, với những tổ chức cơ sở Đảng có cán bộ yếu kém, việc luân chuyển, điều động cán bộ cấp huyện tăng cường về cấp xã đảm nhiệm chức danh lãnh đạo đã được thực hiện. Nhờ vậy, năm 2017 đã có 49/86, nửa đầu năm 2018 (tính cả số cũ năm 2017 chuyển sang phải giải quyết tiếp và số mới phát sinh) đã có 48/68 tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố đã củng cố được về các nội dung như: Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu; đoàn kết nội bộ; mối quan hệ công tác...

Đặc biệt, cùng với việc tổ chức Đảng được củng cố vững mạnh, nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc ở cơ sở cũng được giải quyết thấu tình, đạt lý, mang lại niềm tin to lớn trong tổ chức Đảng và nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Việc củng cố tổ chức Đảng, nhất là cơ sở Đảng yếu kém và xử lý "điểm nóng" là việc khó khăn, phức tạp, có thể “sai một ly, đi một dặm”. Vì vậy, việc nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng phải diễn ra liên tục, không có điểm dừng.

Muốn vậy, cấp ủy Đảng các cấp phải tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc hiệu quả, minh bạch; xử lý hài hòa mối quan hệ công tác giữa chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Tổ chức Đảng luôn phải là nơi hội tụ trí tuệ và bản lĩnh, kinh nghiệm sáng suốt để nhận định đúng tình hình và có đối sách phù hợp. Kiên quyết không để "điểm nóng" xảy ra rồi mới biết.

Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy cần tiếp tục thể hiện rõ trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; đồng thời phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết nội bộ; phải loại bỏ các biểu hiện lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong thực hiện nhiệm vụ; phải nhìn thấu địa bàn đang “nóng” cái gì, hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân để xử lý, giải quyết kịp thời.

Từ sức mạnh của hệ thống chính trị và cộng đồng, ở đây, rất cần phát huy tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên. Tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” phải được thể hiện rõ khi địa phương xảy ra sự việc phức tạp. Không ai có thể đứng ngoài cuộc, trong đó, tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, cán bộ, đảng viên phải luôn ở vị trí "đứng mũi chịu sào", tham mưu, thực hiện đúng, trúng vấn đề.

Hạ nhiệt "điểm nóng" là một quá trình bền bỉ, nhiều khó khăn. Do đó, không được chủ quan, mà phải luôn nỗ lực không ngừng để đưa "điểm nóng" từng bước trở thành "điểm sáng", từ tổ chức Đảng yếu kém, cần củng cố thành tổ chức Đảng vững mạnh, tiêu biểu. Đấy luôn phải là mục tiêu đặt ra để hướng đến.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa "điểm nóng" trở thành điểm sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.