(HNMO) - Tại họp báo thường kỳ quý III-2022, chiều 29-9, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, dư địa kiểm soát lạm phát tương đối lớn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đánh giá tình hình lạm phát và giải pháp kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Truyền cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2022 của cả nước tăng 0,4% so với tháng trước; so với tháng 12-2021, tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,94%. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2021.
“Chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là chỉ số lạm phát năm 2022 không vượt quá 4%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, dư địa kiểm soát lạm phát còn tương đối lớn”, ông Nguyễn Văn Truyền nhận định.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, từ nay đến cuối năm, có một số yếu tố gây áp lực tăng giá. Đó là, thời gian qua, giá xăng dầu có xu hướng giảm, song từ nay đến cuối năm có thể có sự tăng giá nhất định bởi giá nhiên liệu, năng lượng thế giới có thể biến động phức tạp.
Ngoài ra, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu có thể khiến giá hàng hóa tăng. Tiếp đến là yếu tố thời tiết, ngoài bão số 4 vừa qua, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ có một số cơn bão có thể gây ngập lụt tại một số địa phương, từ đó làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng thiết yếu.
Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố có thể tác động làm giảm giá hàng hóa như: Các mặt hàng do Nhà nước định giá như điện, dịch vụ công… sẽ giữ ổn định; sự kiên định trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các chính sách miễn, giảm thuế, phí cũng có tác động giảm áp lực tăng giá. Vì vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu không có yếu tố đột biến, tác động quá lớn.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra trong bối cảnh đối mặt áp lực rất lớn, 9 tháng qua, nhiệm vụ và các giải pháp kiểm soát luôn nằm trong các chương trình nghị sự của Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành. Điều này cho thấy Chính phủ đã tập trung rất nhiều nguồn lực, trí lực để thực hiện mục tiêu trên, không chỉ các giải pháp về tài khóa mà còn kết hợp các giải pháp về tiền tệ, công thương, sản xuất - kinh doanh.
Bộ Tài chính đã thực hiện các chính sách giảm thuế ngay từ đầu năm cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng; đề xuất giảm thuế mặt hàng xăng dầu, từ đó giữ được giá xăng dầu - một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất. Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị nhiều phương án khác về thuế đối với mặt hàng xăng dầu, tùy thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới để sẵn sàng ứng phó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.